Canh cua rau đay- bữa cơm quê nối dài kí ức
Tôi có cậu bạn sống ở nước ngoài… suốt ngày chỉ mơ về một tô canh rau đay nấu cua. Lạ thật, vì khi con người ta xa quê họ lại cứ nhớ về cái miền kí ức đã qua, cái khoảng không mà nếu ở cạnh gia đình, cạnh ba mẹ… có mấy khi họ phải tóm tém, thèm thuồng một bát canh như thế.
Giữa bạt ngàn món Tây Tàu, cậu bạn ấy lại cứ ra rả về bát canh cua rau đay của mẹ. Chẳng là cậu bạn ấy vốn gốc bắc, mà ẩm thực của người bắc lại cực kì đa dạng và phong phú.
Canh cua được người Miền Bắc nấu khá tinh tế và đậm đà, theo đó cua đồng được tách mai, lấy gạch chưng cùng hành phi , thịt cua được dùng cối giã nhuyễn, lọc bỏ bã và nấu phần nước, khi nước cua sôi mẹ nhanh tay trút rau đay, mướp hương, mùng tơi vào cùng với gạch cua chưng vào nồi sau đó nhanh tay tắt bếp.
Canh cua miền Bắc là phải ăn cùng với cà pháo, mắm tôm để thêm phần dậy mùi và đưa cơm. Với một chén canh con con, một chén cà pháo muối giòn ngọt và một chén mắm tôm Thanh Hóa đánh bông với tắc…cậu bạn ấy có thể ăn đến 3-4 bát cơm.
Có lẽ chính cái hương thịt cua thanh ngọt, cái mùi mắm dậy mùi dân dã, thôn quê… đã níu cậu ấy trở về với mẹ… để nghe tiếng chày nện cối, để nghe tiếng mẹ khua muỗng lách cách trên thành nồi canh… và để chắt lưỡi buông câu “nhớ mẹ”.