Về Bắc Giang nhớ ăn bánh đa Kế

Nói đến Bắc Giang hẳn ai cũng sẽ nghĩ tới những đồi vải ngút ngàn Lục Ngạn, những trái cam sành căng mọng Bố Hạ, rượu làng Vân lâng lâng lòng người… Và thật thiếu sót cho những ai từng đặt chân qua đây mà không thưởng thức đặc sản bánh đa Kế, món bánh dân dã mà chỉ ăn một lần ai cũng nhớ mãi bởi nó có một sức cuốn hút kỳ lạ. Khi đi ngang qua Dĩnh Kế, bạn sẽ choáng ngợp trước khung cảnh hàng trăm chiếc phên phơi bánh đa bên đường quốc lộ 1. Và trong đường làng, ngõ xóm, sân nhà, đâu đâu ta cũng gặp những chiếc bánh đa tròn trĩnh, ngon lành như thế.

http://thegioidisan.vn/assets/media/2016/02/07/banh-da1.jpg

Làng Kế là ngôi làng cổ thuộc xã Dĩnh Kế của thành phố Bắc Giang. Xã có 11 thôn, trong đó có 6 thôn làm bánh đa, nhưng người dân trong vùng thường gọi là bánh Kế, bởi bánh đa của làng Kế làm ra có hương vị đặc trưng không giống với bánh đa ở bất cứ nơi đâu. Hương vị thơm ngọt của gạo, béo bùi đậm đà của lạc, vừng là cảm nhận đầu tiên mà thực khách nhận thấy khi thưởng thức bánh đa Kế.

Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm bánh đa Kế là gạo tẻ loại ngon, ngoài ra còn có các loại phụ gia khác như vừng, lạc, khoai lang. Nhưng nguyên liệu thôi chưa đủ, để hoàn thiện và cho ra lò những chiếc bánh đa hoàn hảo phải trải qua những công đoạn khá phức tạp, đòi hỏi sự cần mẫn và khéo léo của đôi bàn tay.

Khâu quan trọng là tráng bánh, khâu đòi hỏi kỹ thuật khéo léo của người thợ không phải ai cũng làm được. Phải tráng nhẹ tay, bánh phẳng, đều phụ gia thì những chiếc bánh ra lò mới đều tăm tắp, tròn trịa, không méo, không rách. Đặc biệt, bánh đa Kế được tráng hai lần. Sau khi lớp đầu tiên đã chín nhưng vẫn còn ướt, lớp thứ hai sẽ được trải đều ngay trên lớp một. Người làm bánh phải nhẹ nhàng, đều tay và đảm bảo cho bánh phẳng. Sau khi tráng, khéo léo lấy bánh ra khỏi nồi hơi bằng cách quấn lớp tráng quanh một ống nứa to và dài rồi trải đều ra phên.

Với bánh đa ở các vùng miền khác, vừng thường được rắc ở khu vực trung tâm. Nhưng nét độc đáo của bánh đa Kế là vừng và lạc sống sẽ được giã giập rồi phủ kín lên một mặt bánh, tập trung ở tâm bánh và rải đều ra xung quanh. Người làng Kế thường rắc một lượt vừng đen cùng lạc sống giã giập khi bánh còn bốc hơi và nóng hổi, sau đó mới đem bánh ra phơi.

Bánh tráng xong được đem phơi hai lần cho khô kiệt. Phải phơi bánh dưới nắng không quá nhạt nhưng cũng không quá gắt. Khi đã se mặt nhưng vẫn còn dẻo, bánh sẽ được kịp thời gỡ khỏi phên. Lúc này phải tránh không để bánh bị vỡ hoặc thủng. Sau đó, lật sang mặt còn lại và phơi tiếp. Phải thế bánh mới giòn tan và ngon. Sau khi phơi, bánh sẽ được cất ngay vào túi nilông để tránh ẩm mốc.

Khâu cuối cùng là quạt để tạo hình dáng cho bánh. Người thợ Dĩnh Kế quạt bánh thủ công bằng than hoa nên chiếc bánh nở đều, đầy đặn, không bị méo mó, cháy sém.

https://www.dulichvietnam.com.vn/data/banh-da-ke-bac-giang.jpg

 

Khi bánh chín sẽ dậy lên một mùi rất đặc biệt đó là vị thơm, béo của vừng đen, vị bùi bùi của lạc, vị thơm nhè nhẹ của gạo hòa lẫn với khoai lang, vị đậm đà của muối tinh… Thưởng thức có thể cảm nhận được hương vị đó cùng với độ giòn tan của bánh. Chính hương vị này đã làm say đắm biết bao lữ khách.