5 món ăn đáng ăn ở thành phố đáng sống
Đà Nẵng để lại nhiều ấn tượng trong lòng khách du lịch nhờ con người nơi đây rất đỗi thân thiện và mến khách, môi trường trong lành và sạch đẹp, nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, là thành phố của những cây cầu nổi tiếng. Nơi đây còn là thiên đường ẩm thực đậm đà màu sắc riêng của thành phố đáng sống.
Mì Quảng
Những cọng mì vừa to, vừa dày, vừa mềm lại vừa dai, được phủ lên trên nào là tôm, trứng, thịt, đậu phộng rang thơm giòn, rưới 1 ít nước sốt màu đỏ cam sền sệt lên rồi trộn đều tất cả trong tô, ăn cùng với bánh tráng mè nướng và đĩa rau giá sống. Đó chính là món mì Quảng trứ danh.
Mì Quảng về sau này có nhiều cách nấu đa dạng hơn để phù hợp với thực khách khắp nơi về ăn như mì Quảng cá lóc, mì Quảng chả cua, mì Quảng sườn non,… nhưng dù đó là cách chế biến như thế nào trong tô mì Quảng phải sử dụng loại mì sợi lớn, và không thể nào vắng bóng những hạt đậu phông rang cùng bánh tráng mè nướng giòn được.
Gỏi cá Nam Ô
Vì đây là món ăn làm từ cá sống nên một vài người sẽ cảm thấy ngần ngại, nhưng một khi đã ăn rồi sẽ rất dễ gây nghiện. Gắp miếng thịt cá bỏ vào cuốn rau, vị cá ngọt mát, mềm và hơi giòn, cá không hề tanh, nước chấm đậm đà hòa quyện cùng vị cay của ớt, vị của riềng cùng những vị lạ từ các loại rau rừng, cắn 1 miếng gỏi, từ từ nhai và cảm nhận, mọi hương vị như hòa tan trong khoang miệng. Hoặc chỉ cần trộn cá, rau và nước chấn rồi ăn.
Cá trích thích hợp nhất để chế biến món gỏi cá Nam Ô. Cá lớn cỡ ngon tay, làm sạch, bỏ xương và xắt từng miếng nhỏ, ép nước sau đó để ráo nước rồi ướp với riềng, gừng, tỏi băm và thính gạo.
Nước cốt ép cá đun sôi, hòa cùng nước mắm Nam Ô, bột năng, bột ngọt và ớt để làm nước chấm riêng cho món gỏi cá này. Rau ăn cùng là những đọt lá non nhất được lấy xuống từ đèo Hải Vân như cóc rừng, tim lan, lá dừng, lá trâm,… hoặc dưa chuột, xoài, khế, chuối để đáp ứng nhu cầu ăn uống của thực khách.
Bê thui cầu Mống
Nhắc đến Đà Nẵng là người ta không quên nhắc đến mì Quảng và bò tái Cầu Mống, một tên gọi quen thuộc của món bê thui cầu Mống.
Trải miếng bánh tráng ra, thêm 1 ít rau và bỏ miếng bê thui và cuốn chung, chấm nước mắm pha chế, hương vị món ăn lan tỏa và từng tế bào lưỡi kích thích vị giác người đang ăn.
Bê được thui làm sao để khi đưa ra khỏi là phải có hai phần chín và tái rõ rệt, còn da bê phải chín đến độ trong suốt, vừa dai và giòn. Khi thái bê phải thái miếng có cả phần thịt lẫn da một cách khéo léo.
Phần nước chấm làm từ nước cá cơm thêm đường, tỏi ớt gừng băm nhuyễn và mè rang thơm vàng hấp dẫn. Món này cũng ăn kèm với nhiều loại rau đa dạng như rau trà quế, tía tô, xà lách, cải non, khế chua, giá đỗ, chuối chát,…
Bánh tráng cuốn thịt heo
Món ăn đơn giản, không cần chế biến cầu kỳ nhưng sự cầu kỳ trong cách chọn nguyên liệu làm nên sự nổi tiếng cho món ăn của xứ Đà thành này.
Thịt heo phải là phần mông hoặc vai,vừa nạc vừa mỡ, đem hấp cách nhiệt đễ giữ nguyên vị ngọt ngon của thịt. Các loại rau dễ kiếm, dễ mua nhưng phải thật tươi và xanh non: xà lách, húng quế, diếp cá, búp chuối bào, dưa leo, chuối chát, rau thơm,…
Nhưng để làm nên hương vị đặc trưng của món ăn này nằm ở chính chén nước chấm. Nước chấm không phải nước mắm mà là mắm nêm được pha chế đặc biệt, cay nồng và thơm, thêm một ít chua ngọt nữa. Thứ nước chấm ăn rất bắt miệng, không bao giờ chán, ăn hết cuốn này chỉ muốn tiếp tục thưởng thức cuốn khác mà thôi.
Mít trộn
Là một món ăn dân giã với mít non được luộc chín làm nguyên liệu chính, xé nhỏ trộn với thịt ba chỉ thái mỏng, tôm thẻ hay tai heo xắt sợi, thêm hành phi, đậu phông, rưới đều nước mắm chua ngọt và trộn gỏi.
Thay vì dùng đũa để gắp hay thìa để xúc, bẻ một miếng bánh tráng mè rồi xúc 1 miếng mít trộn rồi thường thức là “đúng bài”. Mỗi thứ 1 ít cùng kết hợp với nhau làm nên hương vị món ăn níu bước chân thực khách qua đường.
Không chỉ dừng lại ở đó, ẩm thực Đà Nẵng còn rất nhiều món ăn, những địa điểm thú vị đang chờ đón bước chân du khách thập phương đến tìm hiểu và trải nghiệm. Nếu quan tâm đến những món ăn, những đặc sản của các địa phương trên toàn quốc, bạn có thể xem thêm những bài viết của chúng tôi tại đây.