Món ngon trứ danh xứ Thanh làm nức lòng du khách
Thanh Hóa đã trải qua hơn 6000 năm lịch sử, kể từ khi có người đến đây sinh sống, nên người ta khi nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến một vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử, và mang những nét đẹp văn hóa riêng.
Những nét đẹp văn hóa không chỉ được thể hiện trong những công trình kiến trúc như thành nhà Hồ, không chỉ được thể hiện trong điệu hò sông Mã, không chỉ được thể hiện qua lễ hội “Rước nước”, mà nét đẹp văn hóa xứ Thanh còn được thể hiện qua nhiều món ăn nức tiếng nơi đây, đủ sức níu chân người lữ khách ở lại.
Bánh răng bừa
Chiếc bánh răng bừa được gói một cách sơ sài, hình dáng bình dị, trông giống như một loại nông cụ, lại là một thức quà ăn sáng yêu thích của từ người lớn đến người nhỏ. Nhiều người khi nhìn vào sẽ lầm tưởng đó là bánh lá, mà đúng là bánh lá thật.
Khi ăn loại bánh này thì tôi thích nhất là ăn phần nhân bánh, thường được làm từ thịt bằm cùng với nấm mộc nhĩ, thêm vị cay của hạt tiêu và cho thật nhiều hành lá vào, tôi cứ bị cuốn hút bởi cái vị béo béo, dai dai của phần thịt vừa nạc vừa mỡ, hành lá thì cứ sần sật nhai nghe lạ lắm còn thêm vị cay của tiêu nữa. Hương vị đó khiến ai khó mà quên được, nhất là trong những ngày mưa mà thưởng thức bánh răng bừa thì còn gì bằng.
Bánh cuốn
Người dân xứ Thanh có cách làm món bánh cuốn rất riêng biệt, có thể nói là có bí quyết truyền thống, mà không thể lẫn vào bất kỳ loại bánh cuốn nào khác.
Bánh cuốn Thanh Hóa dai, mềm, có hương thơm rất riêng. Bột bánh được làm từ thứ gạo dẻo thơm, mà không hiểu sao ngay cả khi bánh nguội vẫn cứ giữ được hương vị thơm ngon. Còn nước chấm bánh tuy chỉ là chén nước mắm có thêm vài lát ớt, vắt thêm vài giọt chanh, tuy đơn giản nhưng rất hợp gu với món bánh này, kết hợp thêm miếng chả nướng thơm thì bao nhiêu bánh mới bịt miệng được “kẻ si tình” đây.
Nem chua
Nhắc đến Thanh Hóa là người ta có thể nói ngay nem chua Thanh Hóa mà không cần suy nghĩ. Món ăn này có lẽ đã thành biểu tượng cho ẩm thực nơi đây.
Nem chua là được làm từ thịt sống, bì lợn cùng các gia vị khác nhưng không thể thiếu tiêu, tỏi, ớt cho lên men. Nem chua Thanh Hóa có vị chua dịu dàng, vị cay nồng nàn và một chút ngọt thanh. Ăn không bao giờ chán với món này và là thức quà đặc sản của Thanh Hóa dành tặng những người bạn đường xa ghé chơi.
Gỏi cá nhệch Nga Sơn
Gỏi cá nhệch ngon chỉ có đến vùng quê gắn liền với di tích quả dưa hấu với Mai An Tiêm ở tỉnh Thanh Hóa.
Ở món ăn này, chẻo nhệch, chính lá điểm nhấn gây ấn tượng nhất cho món ăn cũng là điều làm người ta nhớ đến món ăn này nhất. Thực ra thì món nước chấm tên chẻo này được chế biết từ xương cá giã nhỏ, chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị khác, là hương vị tạo nên tiếng thơm cho cả một vùng đất đấy. Bên cạnh một đĩa gỏi cá thơm ngon, tươi ngọt thì một chén chẻo màu đỏ, sánh đậm kèm mùi thơm có sức lôi kéo vô cùng lớn thì bạn sẽ phải bất chấp để ăn đó.
Chả tôm
Tôm được băm nhuyễn, trộn cùng thịt ba chỉ bằm, có vẻ chưa đủ màu sắc rực rỡ nên người ta cho thêm ít bột gấc vào xào cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân. Mà món chả này lạ, được chế biến cầu kỳ hơn khi chả có gói vỏ bánh được làm bằng bánh phở.
Khi gói chả xong, đặt chả lên vỉ và nướng trên bếp lửa than hoa. Khi chả chín, cả không gian chìm đắm trong mùi thơm ngào ngạt, kích thích người ta đưa tay cầm lấy miếng chả để cảm nhận vị thơm mềm, đậm đà của món chả tôm này. Chả tôm mà chấm cùng mắm chua ngọt, thêm những cọng rau sống tươi mát làm mát lòng người ăn.
Mắm tép
Chén mắm tép sóng sánh vàng óng như mật, được ăn cùng với cơm nóng, hay làm mắm chấm rau củ, thịt luộc thì biết bao nhiêu mới đủ được.
Món mắm tép xưa kia được người làng Đình Trung ở Hà Yên, huyện Hà Trung đem tiến cung, khỏi cần nói món ăn này có hương vị hảo hạng như thế nào, nói chính xác hơn là món ăn dân dã nhưng lại có hương vị của hoàng gia.
Bánh gai Thọ Xuân
Những chiếc bánh gai có màu đen ngòm nhìn kỳ kỳ mà khi ăn vào hương vị cũng kỳ thiệt, phải nói là quá kỳ, ăn một cái rồi mà cứ muốn mãi, ăn hoài luôn. Món bánh này đúng là biết cách thôi miên người ta mà.
Sở dĩ lớp vỏ bánh có màu đen đặc trưng óng ánh như vậy là vì vỏ bánh được là bằng bột gạo nếp trộn với bột lá gai. Theo đó thì lá gai được phơi khô, luộc kỹ, giã để lấy nước rồi đem trộn với bột gạo nếp cho ra màu vỏ bánh. Còn nhân bánh được là hỗn hợp của mỡ lợn, đậu xanh là chính, dừa và hạt sen. Cả nhân và vỏ bánh đều phải được đảm bảo, nếu như nhân ngon mà vỏ bánh không đạt được độ dẻo, mềm hoặc vỏ bánh dẻo mềm nhưng nhân lại chưa chín hay lạc vị thì hỏng cả một chiếc bánh.
Trên tuyến đường bắc nam, khi đi qua Thanh Hóa, hãy dành cho mình chút thời gian để ngăm nhìn cảnh sắc nơi đây, tìm hiểu những nét văn hóa của nơi đây và nếu được hãy về với vùng đất địa linh nhân kiệt huyện Thọ Xuân, tạt qua làng Mía, xã Thọ Diên để được thưởng thức hương vị món ăn truyền thống của người dân xứ Thanh này nhé. Và hãy nhớ bổ sung thêm những món ngon khác và danh sách “Những món ăn đặc sản Thanh Hóa đã được thưởng thức” của tỉnh cực Bắc miền Trung Việt Nam này.