Khô rắn đặc sản An Giang

Mùa nước nổi, cả miền Tây là một cái đầm lớn, các loài rắn chuyên sống dưới nước như rắn nước, rắn bông súng sinh sôi. Rắn nhiều quá ăn không hết, người miền Tây nghĩ ra cách làm khô, bình quân 4 ký rắn tươi cho ra 1 ký rắn khô.

Khu vực biên giới giáp Campuchia thuộc xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang là nơi sản xuất khô rắn nổi tiếng nhất ở miền Tây. Khô rắn ở đây được làm từ  rắn bông súng, rắn râu, rắn nước, rắn trun…Rắn bắt về, cắt tiết, lột hết phần da, loại bỏ phần xương để lại thịt rắn, rồi tẩm ướp gia vị vào thịt.

Để khô rắn thơm ngon, người làm ngoài việc phải chọn rắn sống còn chuyên nghiệp trong khâu ướp gia vị, để miến khô vừa ăn mà thịt lại mềm.

Khâu phơi nắng cũng hết sức quan trọng, người phơi phải canh nắng sao cho miếng khô ráo nhưng thịt ăn vào vẫn giữ được độ tươi.

Trong quá trình phơi, thịt sẽ rút bớt nước, bay bớt mùi tanh, chín ở dạng tái nên khi thưởng thức vẫn còn nguyên độ tươi ngon… Mỗi con khô rắn thành phẩm cần dùng từ 4- 5 con rắn nguyên liệu để chế biến và với cách làm rất công phu. Sau khi phơi đủ độ khô, thịt rắn tự chuyển sang màu đỏ hồng bắt mắt.

Khô rắn khi ăn có vị thơm và ngọt tự nhiên, rất thích hợp làm món ăn chơi cho gia đình và chiêu đãi bạn bè. Chỉ cần bắc bếp than hay thậm chí là bếp gas nướng con khô, chưa bao lâu đã nghe tỏa mùi thơm nức mũi. Thịt khô ngọt nên có thể ăn chung với xoài sống, cóc hoặc dưa chua.