Li kì bánh cáy làng Nguyễn
Đường về quê lúa hôm nay
Nghe lòng xao xuyến đắm say bồi hồi
Thái Bình đã tự bao đời
Quê hương em đó là nôi hát chèo.
Là những câu hát được con người nơi đây tự hào hát về Thái Bình quê lúa của mình, với những cánh đồng lúa bát ngát mỏi cánh cò bay, từ đây sản sinh ra món bánh cáy làm thổn thức bao người con xa xứ và níu bước chân qua của những chàng trai cô gái yêu thích sự khám phá.
Khi đến với Thái Bình, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi ngập tàn những biển hiệu bày bán món bánh Cáy nổi danh khắp nơi này. Nhưng thực sự muốn ăn được món bánh Cáy ngon nhất phải đến với làng Nguyễn, huyện Đông Hưng, nơi đây là quê hương của món bánh Cáy và cũng là cái nôi của nghệ thuật múa rối nước, cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 10km xuyên theo quốc lộ 10, rẽ vào quốc lộ 39 rồi đi một đoạn nữa là đến.
Phải cùng tham gia những công đoạn làm bánh với người thợ mới thấm hết được sự kỳ công khi làm món bánh nổi tiếng này. Nguyên liệu chính đó là gạo nếp cái hoa vàng được trồng trên những cánh đồng của quê hương 5 tấn, cùng các phụ liệu khác như gấc, lá dành dành để tạo màu bánh, lạc, vừng, gừng, cà rốt, vỏ quýt tươi và nhất định phải có mỡ lợn.
Nếp được chia thành ba phần: một phần nấu với nước gấc tạo màu đỏ, một phần nấu với nước dành dành cho màu vàng ươm, phần còn lại được dùng để rang nở thành bỏng xốp giòn. Hai phần xôi màu sau khi nấu chín, được đem ra giã cho nhuyễn mịn rồi cắt thành lát mỏng sấy khô. Các loại phụ liệu như lạc, vừng được rang chín bỏ vỏ. Cà rốt xào nước gừng và đường. Còn mỡ lợn phải chuẩn bị trước đó 15 ngày, mỡ được thái ra muối với đường chừng 15 ngày sau lấy ra thái hạt lựu, xào ngọt, giòn và trong.
Khi các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu đã xong, người thợ bánh cho tất cả mọi thứ trộn đều với nhau trên chảo nóng cùng với nước mía, khi mọi thứ đã quyện vào với nhau thì được đổ ra khuôn nén thành những miếng bánh thơm ngon phủ đầy vừng vì trước khi cho bánh vào khuôn nén người ta đã rắc sẵn vừng rang thơm xung quanh khuôn bánh.
Sau khi vất vả làm xong món bánh Cáy là lúc chúng ta ngồi lại bên nhau, thưởng thức món bánh Cáy. Những miếng bánh vừa có màu đỏ, vừa có màu vàng rất bắt mắt, khi đưa vào miệng nhai có vị giòn tan của lạc vừng sang, dẻo dẻo của hạt nếp cái hoa vàng, ngọt của đường và nước mía, cay cay của gừng và thơm mùi vỏ quýt thanh thanh, mọi thứ cứ nhẹ nhàng quyện vào nhau như một bản nhạc không lời tha thiết, dễ đi vào lòng người. Khi ăn kết hợp uống ngụm trà nóng sẽ càng làm tăng hương vị món ăn, rồi cùng kể nhau nghe về truyền thuyết vì sao gọi đây là món bánh Cáy.
Món ăn này cũng có một truyền thuyết hết sức li kì, là món ăn ngày xưa được người đàn bà làng Nguyễn làm nên để biếu cho một ông quan đại thần qua làng, sau đó ông quan đó đem thứ bánh lạ ấy về cung tiến vua, vua ăn thấy ngon, cay cay, lạ miệng và hỏi đó là bánh gì thì vị quan đó mới trả lời đó là loại bánh Cay. Sau này thì người đàn bà làng Nguyễn đó được vua ban thưởng. Trong một giấc mơ, bà nhìn thấy hai mẹ con cáy ôm nhau gọi bà rồi biến mất. Trước khi qua đời, bà dặn con cháu đưa bà về với biển nhưng kỳ lạ thay, thi hài của bà khi xuống tới biển thì có một lối nước rẽ ra đón bà đi. Từ đó, người ta gọi bánh hay là bánh Cáy.
Mỗi món ăn đều có nguồn gốc của nó, và những truyền thuyết như thế này càng làm cho đời sống tinh thần con người trở nên phong phú và thêm phần ý nghĩa.
Hiện nay, xã hội phát triển, công nghệ hiện đại cũng được đưa vào để giúp con người làm nên nhưng chiếc bánh Cáy đa dạng về hương vị hơn, nhưng không làm mất đi hương vị truyền thống bánh Cáy làng Nguyễn Thái Bình bao đời nay.