Bánh phồng Sơn Đốc

Trước đây, bánh phồng chỉ xuất hiện trong dịp lễ Tết và trở thành món quà quê mà bao thế hệ trẻ con Sơn Đốc từng mong chờ bởi chính hương vị ngọt, giòn của nó. Trải qua thời gian, từ đời này sang đời khác, bánh phồng vẫn được nhiều người ưa chuộng và từ lâu đã trở thành đặc sản truyền thống của người dân nơi đây.

http://www.dacsanhuongviet.com/wp-content/uploads/2015/12/banh-phong-son-doc-ben-tre.jpg

Bánh phồng Sơn Đốc còn có tên gọi dân gian là bánh phồng chuồi. Miếng bánh nhỏ nhưng dày hơn nơi khác, khi nướng sẽ phồng to. Nướng bánh tráng lẫn bánh phồng ngon nhất là trên ngọn lửa rơm hoặc lửa than. Người nướng phải nhanh tay lăn trở để bánh nóng chín và giòn đều.

Bánh phồng được làm bằng loại nếp sáp, là giống nếp nổi tiếng của Bến Tre, gạo nếp đồ thành xôi rồi cho vào cối giã nhuyễn cùng với các phụ liệu khác như đường cát, nước cốt dừa…Đến làng nghề buổi sáng, chúng ta dễ dàng nhận biết nhà ai sẽ làm bánh phồng bằng cách nghe tiếng chày giã bột rộn rã. Đây cũng là công đoạn mệt nhất khi làm bánh phồng. Ngày xưa, công việc giã bột thường là công việc của đàn ông, thanh niên, hiện nay, khâu quết bánh phồng đã đỡ vất vả hơn nhờ có máy, giã xong bột sẽ chuyển sang khâu bắt bột và cán bánh. Nghề làm bánh phồng luôn phải phụ thuộc vào thời tiết, ai cũng mong nắng tốt để công đoạn phơi bánh đỡ vất vả hơn, bánh sẽ ngon hơn.

Khi người ta mua loại bánh phồng nếp này về ăn thử, thấy ngon với hương vị rất lạ, vị ngọt của bánh, mùi thơm của mè, vị béo ngậy của nước cốt dừa, qua nhiều kênh thông tin khác nhau du khách các nơi mới biết ở Giồng Trôm có một loại đặc sản độc đáo như vậy, kể từ đó bánh phồng Sơn Đốc ngày càng được biết đến và vươn xa trong suốt chặng đường phát triển của làng nghề, bánh phồng Sơn Đốc đi khắp nơi trong nước kể cả nước ngoài, và tên tuổi trở thành thương hiệu hàng trăm năm nay.