Bánh đa cua Hải Phòng
Bánh đa cua, một món ăn dân dã nhưng rất nổi tiếng và đậm đà hương vị quê hương của người dân đất cảng Hải Phòng. Nhờ có cách bày biện hấp dẫn, bắt mắt, mang một hương vị đặc biệt mà món ăn này đã lan tỏa và phổ biến khắp Việt Nam.
Một bát bánh đa cua Hải Phòng bưng tới phục vụ thực khách có đủ các sắc màu bắt mắt xanh, đỏ, vàng, trắng… Những sợi bánh đa to bản màu đỏ đất ngập trong nước cua sánh vàng. Gạch cua được phu với hành củ thơm lừng, béo ngậy lóng lánh bên trên. Cùng với đó là màu đen sậm của miếng chả lá lốt, màu vàng nhạt của viên chả thịt, màu xanh mượt mà của rau muống chần giòn và dăm dọc hành lá vừa trắng vừa xanh tỉa khéo khiến thực khách chỉ nhìn đã thấy bụng réo rắt. Thêm chút đỏ của ớt tươi cắt lát hay chút tương ớt nấu khéo theo kiểu Hải Phòng (người đất Cảng gọi là chí chương) là trọn vẹn bát bánh đa như bức tranh ẩm thực đa sắc. Người ta thường nói, một món ăn thành công phải hội tụ được cả 2 yếu tố “ngon mắt” và “ngon miệng”. Bánh đa cua Hải Phòng kết hợp được cả 2 yếu tố đó. Khi nhìn thấy bát bánh đa cua lần đầu, thực khách dù chưa thưởng thức bao giờ cũng khó có thể bỏ qua.
Để làm nên món ăn này người dân Hải Phòng thường lựa chọn những con cua béo ngậy, phần yếm cua đầy đặn, rửa thật sạch rồi đem bóc bỏ mai và yếm. Phần gạch cua nằm trong vỏ được lấy riêng ra, phi hành thật thơm rồi cho vào đảo nhẹ tay đến khi vàng đều, thơm ngậy là được. Riêng phần thân và chân cua thì cho chút muối vào xóc đều cho ra hết nước đen, tanh rồi mới đem vào giã. Để có được bát bánh đa cua ngon đúng điệu người ta thường giã cua theo phương thức truyền thống bằng chày gỗ và cối đá.
Cua giã xong đem lọc kỹ lấy nước rồi đun sôi nhỏ lửa đến khi phần thịt cua nổi lên thành tảng thì ngừng. Sau đó cho phần gạch cua đã xào vào để tạo màu sắc và nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Có người còn cầu kỳ ninh cả xương ống lợn lấy nước pha thêm vào để tăng độ ngọt cho nồi nước dùng.
Những sợi bánh đa có màu nâu đỏ “một nắng, một sương” đem chần kỹ qua nước sôi, xếp vào bát, bên trên bày thêm mấy con tôm nõn, vài miếng chả cá thu, mấy cọng rau muống chần xanh mướt. Có người còn cho thêm cả giò tai, thịt lợn, trứng… tùy theo khẩu vị. Sau đó chan nước dùng còn nóng hôi hổi vào.
Có người thích ăn bánh đa cua thập cẩm, nghĩa là trong bát có chả, có tôm, thịt chân giò thái mỏng. Song cũng có người chỉ thích thưởng thức bánh đa cua với rau muống chần hoặc rau giút để được cảm nhận hương vị nguyên chất của thịt cua, gạch cua và nước cua quyện với bánh đa đỏ đậm đà rất riêng của người đất Cảng. Bánh đa cua không chỉ là món ăn mà còn là một bức tranh đa sắc, ẩn chứa trong ấy là sự mộc mạc, chân thành khó quên của tình người Hải Phòng.