Những đặc sản không thể không yêu của xứ Bạc Liêu
Nội dung chính
Xứ sở Bạc Liêu nổi tiếng với sự tích công tử Bạc Liêu đốt tiền luộc trứng còn nổi bật với rất nhiều nét văn hóa phi vật thể như các lễ hội, phong tục cổ truyền; là cái nôi của đời ca tài tử, quê hương của bài hát “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu,… Bạc Liêu được biết đến với các di tích như tháp cổ Vĩnh Hưng, đồng hồ Thái Dương, quần thể nhà công tử Bạc Liêu,… các thắng cảnh như vườn chim Bạc Liêu, khu di lịch sinh thái Hồ Nam,…
Ẩm thực Bạc Liêu cũng là một phần quan trọng tạo nên những nét đặc trưng cho văn hóa nơi đây. Những món ăn, hương vị món ăn đậm đà văn hóa vùng bản địa, tuy được biết đến là quê hương của công tử Bạc Liêu giàu có nổi tiếng khắp nơi song những món ăn nơi đây cũng khá mộc mạc, dân giã, dễ đi vào lòng người như bánh xèo, bún nước lèo, bún bò cay, bánh tằm,…
Các loại bún, bánh
Bánh tằm Ngan Dừa
Ở thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân nổi tiếng có món bánh tằm mà bất kỳ du khách nào khi đến đây du lịch cũng nhất định muốn thử món bánh này cho bằng được. Bánh tằm Ngan Dừa được làm từ bột gạo, ăn cùng với xíu mại, bì, thịt nạc luộc cắt sợi, đậu phộng rang giã nhuyễn và dưa chuột, rau sống.
Món bánh đơn giản này rất kén nguyên liệu nên đòi hỏi người chế biến phải tinh tế, khéo léo. Khi làm phải thuần thuộc và nhanh nhẹn thì mới cho ra những mẻ bánh tằm như ý được. Với mỗi người, mỗi khẩu vị thì có loại bánh tằm mặn và bánh tằm ngọt để dễ lựa chọn.
Bánh củ cải
Món bánh này có nguồn gốc là của người Hoa đang sinh sống tại Bạc Liêu. Bánh củ cải có nguyên liệu chính làm bằng bột mì trắng pha với bột củ cải trắng và được tráng mỏng như bánh ướt. Nhân bánh củ cải có tôm khô nhỏ hoặc tép bạc đất cùng với thịt nạc băm và đậu xanh hấp. Bánh củ cải chín ngon nhất vẫn là ăn kèm với rau diếp cá, rau thơm, húng lủi, rau quế và một ít xà lách. Ăn bánh rồi chấm vào chén nước mắm pha chua ngọt cay cay nữa thì tuyệt lắm. Làm sao mà không thể không yêu được chứ.
Bún bò cay
Nhắc đến bún bò có thể nhiều người sẽ sớm liên tưởng đến món bún bò Huế, nhưng không, bún bò cay nơi đây mang những nét đặc trưng riêng, mộc mạc, dân dã mà hương vị vương vấn lâu quên. Đã cất công đi Bạc Liêu rồi thì nhất định không thể bỏ qua món bún bò cay này được.
Đúng như tên gọi, bún bò cay được cho khá nhiều ớt đến nỗi màu nước bún đã ngả sang màu đỏ tự nhiên của ớt. Bên cạnh một tô bún bò cay bao giờ cũng phải có một đĩa rau quế, một đĩa muối hột đâm ớt đỏ cùng vào lát chanh. Bạn biết rồi đó, chỉ nhắc đến nguyên liệu thôi mà tôi đã thấy mình khó bình tĩnh rồi. Có thể nói, món bún bò cay là đặc sản có một không hai của vùng Bạc Liêu.
Bún nước lèo
Bún nước lèo ở nơi đây được bán khắp nơi, bạn muốn thử cũng không khó đâu nhé, bởi vì với người dân nơi đây, món ăn này cực kỳ quen thuộc và dễ ăn, người ta có thể ăn vào bất kỳ thời gian nào trong ngày nếu muốn. Điểm đặc biệt nhất của món ăn này là nằm ở nước lèo, nước lèo được nấu trong nồi đất và vẫn giữ được độ ngọt của tôm cá, thơm mùi mắm và nước dừa.
Bánh canh tôm nước cốt dừa
Món này nghe có vẻ lạ quá phải không, là bánh canh tôm thì giống như bao món bánh canh khác nhưng có thể nước cốt dừa thì lại cứ nghĩ nó là một món đồ ngọt nào đó. Trên thực tế thì món bánh canh này có những điểm khá đặc biệt trong cách chế biến.
Theo đó, tôm sẽ được làm sạch, lột vỏ, bỏ chỉ đen trên lưng sau đó đập dẹp, tôm này được đảo đều trên bếp cùng với gia vị cho đến khi chín vừa. Khi có khách vào ăn, người bán hàng sẽ cho sợi bánh vào đun sôi lên, khi sợi bánh gần chín rồi thì tiếp tục cho tôm vào, thêm ít nước cốt dừa và gia vị cho vừa ăn. Tô bánh canh trắng, sền sệt được điểm xuyến bởi những con tôm màu hồng ngon mắt. Món ăn vừa có vị ngọt tự nhiên của tôm, vị ngọt thơm của nước cốt dừa nhưng lại không hề có cảm giác béo ngấy. Vậy nên không lo bị béo đâu bạn nhé, ăn rồi có khi lại trở thành “fan” hâm mộ của món ăn nữa đó.
Các món muối mặn
Xá bấu
Đây là cách gọi món củ cải muối của người Hoa. Muốn làm xá bấu cũng không khó lắm. Chỉ cần mua củ cải về rửa sạch, xắt cọng nhỏ và phơi khô. Chuẩn bị các gia vị như đường, rượu, ngũ vị hương rồi trộn cùng với củ cải. Cho đến khi nào đường tan tức là món ăn hoàn thiện. Xá bấu ăn với cháo trắng thì tuyệt lắm. Món này khá lạ nên sao không thử xem hương vị nó thế nào bạn nhé, bởi khó có cơ hội để thưởng thức xá bấu cháo trắng ở nơi khác đấy.
Mắm chua Vĩnh Hưng
Người dân ở xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi thường dùng các loại cá sặt, cá rô, cá lóc nhỏ cùng với các gia vị như muối, đường, thính, riềng, tỏi, rượu và ớt để làm ướp mắm chua. Mắm chua thường chi để ăn được trong khoảng 10 ngày đến nửa tháng hoặc bảo quản lâu hơn trong tủ lạnh.
Mắm chua thành phẩm có mùi rất thơm, màu mắm hơi ngả xanh, những con cá con nào con nấy vẫn còn nguyên nhưng xương cá đã mềm nhũn ra hết cả rồi. Khi muốn ăn là chỉ cần lấy ra ăn liền được ngay. Mà hay lắm, mắm chua là mắm những lại ăn rất hạp gu với bần, ổi hay khế chua, chuối chát, me xanh,… về khoản này thì lại rất được làm chị em phụ nữ. Gắp một con mắm cho vào miệng, thêm miếng trái cây, cắn miếng ớt hiểm nữa, ăn tới đâu là nghe thấm tới đó.
Ba khía muối
Những con ba khía trông giống với cua đồng được muối lên là món ăn thông dụng trong đời sống của người dân Bạc Liêu. Ba khía được muối khá mặn nên trước khi ăn nên pha thêm một số loại gia vị như đường, chanh, ớt để giảm vị mặn và tăng độ ngọt cho ba khía. Ba khía ăn ngon nhất là khi ăn kèm với canh chua. Món ăn bình dân này nếu ai đó đã ăn một lần rồi thì sẽ nhớ mãi không quên hương vị đậm đà, mặn mòi của ba khía muối.