“Mùa giấy kính”

Nếu như mặc định của người lớn là một năm có 4 mùa xuân- hạ- thu- đông thì bọn trẻ con chúng tôi lại có một cách tính mùa khá ngộ nghĩnh với những cái tên như mùa bắt bướm, mùa nắp chai, mùa lật hình… và mùa giấy kính.

"Mùa giấy kính"

Mùa giấy kính của chúng tôi bắt đầu từ đầu những tháng 12 âm lịch cho đến tận tháng 3, mùa giấy kính được xem là mùa “sung túc” nhất đối với đám trẻ chúng tôi vì theo như cách tính lịch của người lớn thì đây chính là cuối đông, cũng tức là khoảng thời gian những bậc phụ huynh đang sắn tay áo lên và gồng mình chuẩn bị, mua sắm… chu toàn cho ngày tết.

Cũng như thế, chúng tôi gọi cái mùa của riêng chúng tôi là mùa giấy kính và người lớn gọi nó là mùa bánh khảo… và nhờ có cái mùa bánh khảo của người lớn chúng tôi mới có những “sản vật” giấy kính đủ màu sắc để chơi đùa và cất giữ.

"Mùa giấy kính"

Ở vùng đất Cao Bằng của chúng tôi, trong những ngày tết, trên bàn thờ tổ tiên ngoài bánh chưng vuông thì không thể thiếu bánh khảo. Bánh khảo ở Cao Bằng được làm thủ công với cối đá và khá cầu kì trong các công đoạn chọn nguyên liệu, quá trình ngào đường và ép khuôn… nhờ đó nó cũng mang hương vị đặc trưng rất riêng mà nếu đã từng  nếm thử bạn khó lòng quên được.

Chúng tôi không thật sự thích ăn bánh khảo, bù lại chúng tôi thích sở hữu nó và lần từng ngón tay bóc nhẹ lớp giấy kính màu sắc và nghe hương thơm của nếp rang xay nhuyễn, của đường kính tỏa ra. Lớp giấy kính được chúng tôi trưng dụng trong việc tạo màu sắc cho bầu trời, cho mọi thứ xung quanh… chỉ cần đưa miếng giấy kính lên chắn ngang tầm mắt là đã có thể biến trời xanh thành vàng, thành đỏ, thành tím… chỉ trong tíc tắc.

"Mùa giấy kính"

Bánh khảo không chỉ là món bánh truyền thống đậm hương vị tết của người Nùng, người Tày… mà hiện nay nó còn  được xem như đặc sản của Cao Bằng. Nếu bạn có dịp đến đây, hãy mua về đôi xếp bánh khảo làm quà để người nhận cảm nhận được cái hồn hậu của hoa ban, hoa mơ và con người nơi đây.