Mắt tròn mắt dẹt trước những đặc sản Hậu Giang
Nội dung chính
Hậu Giang tuy chỉ mới được tách ra từ cần Thơ từ năm 2004, tuy chưa có nhiều sự phát triển nổi bật, tuy nhiên Hậu Giang lại có thế mạnh về thiên nhiên nên thu hút những du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng, thăm thú miệt vườn sông nước, gần gũi với thiên nhiên hoang sơ. Đồng thời, những làng nghề truyền thống, thế mạnh về các loại cây ăn trái, thủy hải sản cũng là thế mạnh giúp cho Hậu Giang ngày càng phát triển hơn.
Khi đặt chân đến mảnh đất Hậu Giang này, du khách vừa được thả mình vào thiên nhiên tươi xanh, mát mẻ, không khí trong lành và nhớ là hãy dành thời gian để thưởng thức hết những đặc sản nổi bật như cháo lòng Cái Tắc, bún gỏi già, chả cá thác lác,… chắc chắn bạn sẽ rất thích thú về hương vị cũng như cách người dân nơi đây thưởng thức từng món ăn đấy nhé.
Những món ngon được chế biến từ cá đặc sản Hậu Giang
1. Cá thác lác Hậu Giang
Ở Hậu Giang có một món cá nổi tiếng khắp đồng bằng sông Cửu Long, đó chính là món cá thác lác cườm. Cá thác lác có ở nhiều nơi, nhưng đối với Hậu Giang thì không hiểu vì nước, đất hay khí hậu nơi đây đã khiến cho nó có được vị trí độc tôn.
Cá thác lác có một cách thưởng thức đơn giản và ngon nhất là cá thác lác chiên với sả ớt. Những con cá được đánh sạch vảy, khứa nhẹ theo chiều ngang con cá rồi sau đó ướp với bột ngọt và sả giã nhuyễn. Cá sau đó được chiên trong chảo ngập dầu, chiên đến khi da cá ngả màu vàng, bốc mùi thơm là có thể thưởng thức được. Nhẹ nhàng tách thịt khỏi phần xương cá rồi chấm vào chén nước mắm, ăn kèm với các loại rau nữa. Cá vừa thơm ngon, béo ngậy, một chút giòn và dai. Hèn chi mà món ăn này lại trở nên nổi tiếng đến như vậy.
2. Cá ngát
Cá ngát thường sống ở những nơi nước sâu, sống trong hang nên rất khó để khai thác. Tuy nhiên, chính vì sự khó khăn này mà mỗi lần thưởng thức cá ngát lại mang đến một cảm giác rất tuyệt.
Cá ngát có thể để nấu canh chua, kho tộ, hấp, nướng bẹ chuối hay làm cá ngát khô ăn với củ kiệu. Song món cá ngọt nướng bẹ chuối dân giã vẫn luôn là sự lựa chọn ưu tiên của nhiều người. Với cách chế biến đơn gian này, cá vẫn giữ nguyên được hương vị và độ ngọt của nó. Cá ngát nướng bẹ chuối ăn kèm với các loại rau thơm và chấm muối ớt.
Những loại cây trái, rau củ đặc sản Hậu Giang
1. Bưởi năm roi Phú Hữu
Chính loại bưởi này là thức trái cây ngon nhất của tỉnh Hậu Giang, vì thế mà bạn nhất định phải thưởng thức nó tại đây cũng như mang về vài trái để làm quà cho bạn bè, gia đình mình. Bưởi năm roi Phú Hữu múi nào múi đó đều đặn, không hạt, tép bưởi mọng nước, ngọt thoảng và chua thanh. Bưởi năm roi Phú Hữu ăn cứ phải chấm vào muối ớt cay hay muối tiêu sọ thì mới cảm hết được những tinh túy của nó.
2. Khóm Cầu Đúc
Khóm hay còn gọi là dứa, từ lâu đã trở thành đặc sản của Hậu Giang, loai khóm có nguồn gốc từ Thái Lan nhưng lại tỏ ra vô cùng hòa hợp với mảnh đất này. Những trái khóm đẹp, to đều, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, vị khóm ngọt thanh, ít xơ và ít nước.
Người ta có thể chế biến rất nhiều món từ khóm Cầu Đúc, trong đó quen thuộc như canh chua khóm cá rô đồng, khóm kho cá, thịt ba rọi xào khóm chua ngọt,… Hay những món có giá trị kinh tế như khóm sấy, khóm ép, mứt khóm, kẹo,…
3. Quýt đường Long Trị
Quýt đường ở đây cho trái to, vỏ quýt mỏng, mọng nước, mùi rất thơm, vị quýt ngọt thanh và giữ được lâu ngày. Quýt đường Long Trị nổi tiếng từ lâu đời và đến nay vẫn vậy, hương vị của nó vẫn được nhiều người yêu thích. Trong nhiều năm nay, quýt đường Long Trị đã được đưa đến nhiều thị trường và hội chợ trong cả nước.
4. Đọt choại
Đọt choại thuộc họ với dương xỉ nên có hình dáng có những nét giống, nhiều khi còn bị nhầm lẫn với dương xỉ. Thân cây mảnh, tròn, trên đầu uốn cong. Nhìn đọt choại khó ai nghĩ rằng nó chính là một loại đặc sản và có thể chế biến thành những món ăn cực kỳ thơm ngon. Đọt choại có thể chế biến thành nhiều món ăn nhưng đơn giản mà ngon vẫn là món đọt choại xào. Nếu chưa biết về món ăn này thì bạn cứ phải thử đi mới biết sức mạnh của nó lớn tuyệt vời như thế nào.
Những đặc sản Hậu Giang khác
1. Cháo lòng Cái Tắc
Cháo lòng Cái Tắc mang hương vị độc đáo, khá phổ biến ở huyện Châu Thành A, cũng như bao món cháo lòng khác thôi, nhưng ăn cháo lòng Cái Tắc lại khiến người ta ấn tượng. Vẫn là món cháo với tim, gian, phèo, phổi con heo, nhưng qua bàn tay nấu nướng, sự nêm nếm tài tình, kết hợp với các loại rau khác đã tạo nên một hương vị hoàn toàn mới lạ cho thực khách phương xa.
2. Bún gỏi già
Món bún này tên nghe lạ quá phải không, liệu bạn có đang tò mò về nó?
Bún gỏi già được nấu chung với me nên vị của nó chua chua ngọt ngọt, đặc biệt là ăn mãi không thấy ngán. Nhất là ăn bún gỏi già thì phải ăn với tép, những con tép đỏ au mới làm cho hương vị của tô bún trở nên đủ đầy và trọn vẹn hơn. Dọn kèm đĩa rau muống, bông chuối thái nữa thì… khỏi phải bàn.
3. Sỏi mầm
Đặc sản độc đáo này có lẽ chỉ có ở Hậu Giang. Bạn sẽ phải mắt tròn mắt dẹt khi thấy người ta bày ra bàn khoảng 3 – 4 viên sỏi vừa mới được nung nóng, bao quanh là các loại rau sống và đĩa thịt heo rừng được ướp sẵn gia vị. Thức ra, những viên sỏi này sẽ thay bếp làm chín những miếng thịt heo rừng. Chính cách thưởng thức hết sức đặc biệt này mà sỏi mầm ghi lại dấu ấn vô cùng sâu sắc trong lòng thực khách. Nhất là thịt nướng trên sỏi mầm ăn cùng với rau thanh mát, chấm vào nước chấm cũng trở nên hấp dẫn hơn nhiều.
4. Ốc len xào dừa
Ở Hậu Giang, ốc len khá phổ biến nên khi muốn tìm được một quá ốc len xào dừa không phải là vấn đề khó khăn gì. Ốc len vốn là một loại ốc biển tự nhiên, nó không quá to, vị của ốc len thơm thơm, mằn mặn đặc trưng của biển, của vùng nước ngập mặn. Kết hợp với nước dừa, đặc sản của miền Tây sông nước và được chế biến một cách tỉ mĩ những thì đúng điệu. Đĩa ốc len xào dừa nóng hổi, thơm nức mùi nước dừa vẫn luôn là ao ước của bao người.