Đặc sắc bánh chưng đen người Thái ở Mường Lò
Nếu như người Kinh ăn Tết không thể thiếu bánh chưng xanh, người Mông không thể ăn Tết nếu thiếu bánh dày thì đối với người Thái ở Mường Lò, cái Tết chỉ ý nghĩ khi trên mâm cỗ cúng tổ tiên, ông bà có món bánh chưng đen. Một điểm sáng trong văn hóa người dân tộc vùng cao Tây Bắc.
Gạo nếp để làm bánh chưng đen là loại nếp Tú Lệ thơm tròn, người ta đồn rằng nếp Tú Lệ khi được đồ lên có mùi thơm bay rất xa khắp cả bản, nếp được trộn với bột than cây núc nác cho ra màu đen đặc trưng của thức bánh lạ này.
Núc nác là món ăn thân thuộc trong ẩm thực của người Thái, vừa là một vị thuốc quý. Cây núc nác được mang về, phơi khô, tước vỏ rồi sau đó đốt cháy thành than, khi thân cây núc nác đã cháy rồi, người ta giã than ra cho mịn rồi đem trộn lẫn với nếp. Không hề độc hại mà bột than cây núc nác vừa tạo màu và tạo vị thơm cho bánh.
Phân nhân bánh thì vẫn vậy, vẫn là nhân đỗ xanh đã được đãi sạch vỏ, miếng thịt ba chỉ lợn thái mỏng, ướp gia vị vừa ăn, nhưng vẫn chưa đủ, trong món bánh chưng đen này, người Thái còn trộn thêm hoa vừng đen nhằm tạo ra hương vị khác so với những loại bánh chưng thông thường.
Lá gói bánh chưng phải là lá dong rừng, có màu xanh đậm, được rửa bằng nước suối nguồn. Khi đem về, lá được cắt bớt gân cho mềm, khi gói bánh thêm đẹp mắt và thẩm mỹ. Khi các công đoạn chuẩn bị đã xong thì người ta lại ngồi quây quần vào nhau cùng gói bánh.
Với người Thái thì việc gói bánh chưng đen chính là 1 trong những tiêu chí để chọn nàng dâu. Người con gái Thái xứng đáng là một người vợ hiền, dâu thảo khi gói được một chiếc bánh chưng tròn, dài, để gói được đòi hỏi phải thật sự rất khéo léo. Khi bóc bánh phải có màu đen đúng điệu, dẻo quánh và thưởng thức bánh mang đủ vị mới gọi là thành công.
Bánh chưng đen giản dị như chính nguyên liệu làm bánh, dễ gần như màu sắc của nó và thân thương như hương vị bánh, bởi vậy mà món bánh này đã trở thành đặc sản của đồng bào dân tộc Thái ở Mường Lò từ lúc nào không hay. Chỉ biết bây giờ, người ta đến đây không chỉ được thưởng thức bánh chưng đen vào ngày Tết mà trong những ngày thường cũng có thể mang về làm cho gia đình như một món quà của núi rừng, của đất trời và tấm lòng của con người Tây Bắc.