Bưởi Đoan Hùng – Hương vị đất Tổ

Bưởi Đoan Hùng là một giống bưởi nổi tiếng không chỉ ở Phú Thọ, mà còn được biết đến ở nhiều nơi khác. Giống bưởi này mang tên huyện Đoan Hùng, huyện cực Bắc của tỉnh Phú Thọ. Bưởi có quả hình cầu dẹt, chín màu vàng sáng, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, ăn ngọt mát, mùi thơm đặc trưng.

Bưởi Đoan Hùng có 2 giống bưởi ngon nhất, đó là bưởi Bằng Luân và bưởi Sửu Chí Đám (đã được gắn thương hiệu đặc sản “bưởi Đoan Hùng” ngày 8/2/2006). Hai giống bưởi quý này đã được cục sở hữu trí tuệ Việt Nam đăng danh bạ, xuất xứ, tên gọi và được nhà nước bảo hộ thương hiệu trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Bưởi Đoan Hùng - Hương vị đất Tổ

Bưởi Bằng Luân có cách đây 200 đến 300 năm là giống có nhiều nhất ở Đoan Hùng, trồng nhiều nhất là ở xã Bằng Luân và Quế Lâm có chất lượng ngon đồng đều. Bưởi Bằng Luân có dạng lá nhỏ, quả nhỏ có hình cầu dẹt hoặc dạng hình lá to, quả to, tròn đều. Khi chín có màu vàng rơm, màu thịt quả trắng, trục quả đặc, dễ tách múi, tép mềm mọng nước có màu trắng xanh, ngọt đậm, vị thơm.

Bưởi Sửu Chí Đám phát triển phù hợp trên đất phù sa sông Lô, sông Chảy. Giống bưởi này được nhân dân xã Chí Đám nhân ra từ cây bưởi ngon của nhà lão nông có tên là Sửu cách đây trên 200 năm. Từ đó tên ông được đặt cho giống bưởi. Bưởi Sửu bảo quản sau 5 – 6 tháng quả vẫn giữ được chất lượng tốt.

Có thể ví bưởi Đoan Hùng ngon và nổi tiếng như giống bưởi da xanh ở các tỉnh phía Nam vậy.

ST