Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Tây Ninh
Nếu ai đã từng ghé thăm Tây Ninh, hẳn sẽ mua vài chục chiếc bánh tráng phơi sương Trảng Bàng về ăn và làm quà cho người thân, bạn bè. Bởi từ lâu, món ăn dân dã này đã lên hàng đặc sản riêng có tại địa phương này. Ở ấp Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng, có rất nhiều nhà làm bánh tráng chuyên nghiệp, còn được gọi là xóm bánh tráng.
Nguồn nguyên liệu làm bánh tráng phơi sương chỉ là bột gạo nhưng phải là bột gạo tẻ đặc biệt. Để làm ra bánh tráng phơi sương người ta phải qua nhiều công đoạn khá công phu và cầu kỳ.
Đầu tiên, gạo được vo sạch, xay thành bột nước, hòa muối vừa độ rồi tráng trên lò hơi, phải tráng qua hai lớp để bánh đạt độ dày và dẻo. Bánh chín được trải ra vỉ tre, phơi chừng một ngày nắng tốt là được. Tuy nhiên, để ra thành phẩm cuối cùng, bánh tráng Trảng Bàng phải trải qua 2 công đoạn nữa, đó là nướng và phơi sương.
Lò nướng chứa vỏ đâu phọng riu riu cháy ở bên trong. Bánh tráng nướng nở xốp đều nhưng vẫn giữ nguyên màu trắng đục. Nướng xong, người ta đem bánh tráng phơi sương vào khoảng tờ mờ sáng hoặc vào ban đêm, nếu nhiều sương chỉ cần phơi mười lăm phút. Phơi xong, đem bọc kín trong lá chuối tươi để giữ cho bánh được mềm, xốp.
Còn gì hấp dẫn hơn một xấp bánh tráng phơi sương, một đĩa thịt ba chỉ luộc cùng rau sống và nước chấm là ta đã có thể say sưa cùng gia đình, bằng hữu.
Thịt heo ba chỉ phải chọn lựa thứ thịt tươi ngon, luộc từ nước lạnh đun sôi dần, chín tới vớt ra ngay, lại thả vào thau nước sôi nguội để “trung hoà” rồi xắt lát mỏng bày lên đĩa. Xấp bánh tráng gấp làm đôi, mềm xốp như khăn giấy. Khi ăn mới mở ra gắp, gói, tuỳ theo ý thích mà không cần nhúng nước. Đĩa rau sống ăn kèm đúng chất Nam Bộ với đọt vừng, lá cóc, quế vị, lá lụa, đọt kim cang, diếp cá, ngò gai, bắp cải tím, hành lá kết hợp với khế chua, chuối chát, dưa leo, cà rốt, đu đủ chua ngọt, giá sống… Chính nhờ từ mâm rau tươi tắn ấy đã làm nên món bánh tráng phơi sương gần như “độc nhất vô nhị” của Trảng Bàng vì dường như chỉ có ở Trảng Bàng mới có đủ các loại rau đấy.
Khi ăn, bạn chỉ cần mở rộng bánh tráng rồi gắp thịt, bún cùng các loại rau ưa thích, quấn lại và thưởng thức với nước chấm hội tụ đủ vị chua, cay, mặn, ngọt đặc trưng của người Tây Ninh.