Bánh Tét ngon “made in” Trà Cuôn
Nhắc đến bánh Tét là người ta nghĩ ngay đến lễ Tết. Tại Trà Vinh, cũng có một món bánh Tét nổi danh được đặt lên mâm cỗ cúng gia tiên trong dịp Tết Nguyên đán hoặc Oóc-Om-Bok, Đôn-Ta, Chol-Chnam-Thmay của người Khmer Nam Bộ, đó là món bánh tét Trà Cuôn.
Tôi là một người miền ngoài, khi mới đến với vùng đất này, nhìn thấy loại bánh tét đặc biệt này chỉ biết tròn xoe mắt trầm trồ bởi màu xanh tươi đến lạ lùng của phần nếp, nhân bánh thì cũng được làm từ nhân đậu xanh tôi cứ tưởng như những món bánh tét khác mà tôi từng ăn. Nhưng không, khi nếm thử tôi khẳng định hoàn toàn khác biệt, nếp dẻo quyện vào nhai đến mỏi cả răng, đậu xanh mịn tan và thêm một vị lạ lạ, mặn mặn, bùi bùi như trứng mà không phải trứng, đó là nhân trứng muối.
“Phải lòng” món ăn đặc biệt này, tôi quyết tâm tìm hiểu đến từng “chân tơ kẽ tóc” của món bánh này. Từ đâu và tại sao lại có thể làm nên được món bánh ngon đến như thế?
Qua tìm hiểu, tôi được biết món bánh tét Trà Cuôn đã xuất hiện từ khoảng 80 năm nay, được làm tỉ mẫn từ bàn tay của người dân chịu thương chịu khó ở Trà Vinh. Từ đó đến nay, bánh tét Trà Cuôn đã dần dần khẳng định được vị thế của mình khắc mọi miền đất nước, là món quà quý cho người bạn đường xa khi đến với Trà Vinh. Kiểu gì khi về trong balo cũng có sẵn vài đòn bánh Tét làm quà.
Theo đó, để có được một đòn bánh thơm ngon và màu sắc đúng điệu thì người thợ làm bánh phải kì công chuẩn bị và tuyển chọn nguyên liệu cho món ăn. Từ khâu chọn lá làm màu cho nếp sáp đến khâu làm nhân, gói và nấu bánh đều được làm một cách cẩm thận và tỉ mẫn nhất.
Nếp được cọn để gói bánh là loại nếp sáp được trồng tại chính địa phương, đãi sạch để ráo rồi sau đó trộn đều với nước cốt lá ngót cho nếp khi nấu lên có màu xanh mơn mởn kích thích. Nhân bánh phải được làm từ những hạt đậu xanh to, tròn và đều hạt, đậu xanh được đãi sạch vỏ, nấu chín và đánh mịn, khác với món bánh tét miền Trung là để nguyên hạt đậu được ngâm qua rồi mới nấu. Món ăn cũng không thể thiếu nhân thịt mỡ heo, lớp mỡ dày cắt miếng dài kích thước phù hợp và được ướp qua với gia vị muối đường, hành. À công đoạn cần được làm đầu tiên đó chính là chọn lá gói bánh, đó là những tàu lá chuyến nguyên và đẹp, được rọc ra, rửa qua và đem phơi nắng cho lá có độ dai dễ hơn khi gói bánh. Thêm một điểm khách biệt cho món bánh Tét Tra Cuôn dễ nhận thấy khi thưởng thức được tôi đề cập đến lúc đầu đó chính là trứng vịt muối được đặt ở trung tâm bánh để làm nhân bánh, làm phong phú cho hương vị món ăn.
Phần nhân bánh được mắt trước thành thỏi dài gồm bột đậu xanh ôm lấy hai hột vịt muối và miếng thịt mỡ dài béo ngậy. Lá chuối được trải ra, đổ nếp lên trên cho phần nhân ở giữa, làm sau cho lớp nếp xung quanh không quá dày còn phần nhân thì nhiều hơn để không gây cảm giác ngán ngẩm cho người ăn. Gói bánh được buộc lạt chặt thật chặt để không bị nước xâm nhập khi nấu chín.
Bánh tét Trà Cuôn có thể bảo quản được trong khoảng 7 đến 8 ngày, nếu có dịp nhất định tôi phải đến nơi đây mua một đòn bánh tét và chén ngay tại chỗ mới được, vì món ăn này được người dân chế biến suốt năm cho bất kỳ thực khách nào có dịp về với Trà Vinh, dù vào mùa nào cũng có thể có cơ hội thưởng thức hương vị độc đáo này chứ không nhất thiết là vào mùa lễ Tết.