Bánh đa Kế

Đặt chân đến địa phận tỉnh Bắc Giang, thứ đầu tiên du khách nhìn thấy là các hàng bán bánh đa (miền Nam gọi là bánh tráng). Bánh đa Kế chỉ là một món quà ăn chơi dân dã nhưng lại chứa đầy sự tinh tế, khéo léo của người dân nơi đây.

Bánh đa Kế

Để có những chiếc bánh đa ngon thì khâu chọn gạo phải vô cùng kỹ càng. Gạo để làm bánh đa phải là gạo cũ, không dùng gạo mới thu hoạch vì gạo mới có nhiều nhựa làm ảnh hưởng đến độ xốp của bánh. Gạo được vo sạch, ngâm qua đêm cho đến khi gạo có vị chua rồi đem xay thành bột nước – thứ bột sánh, trắng muốt, mịn màng. Trong quá trình xay, người làm bánh khéo bỏ vào chút khoai lang khô hay cơm nguội theo tỷ lệ vừa phải để bánh có độ xốp và màu đẹp hơn so với bánh các nơi khác làm.

Bột đã xay rồi được đem tráng thành bánh ngay. Người ta chuẩn bị một chiếc nồi với khuôn lớn giống với nồi tráng bánh cuốn. Dùng gáo dừa múc từng muôi bột đổ lên khuôn tráng, nhanh tay vòng đều cho bánh thành hình tròn. Tiếp đến rắc vừng đen (hoặc vừng trắng), dừa nạo sợi, lạc giã dập lên mặt bánh rồi đậy vung lại. Đến khi thấy nồi phì khói, người tráng bánh dùng một chiếc ống tròn khéo léo lấy bánh ra khỏi nồi sao cho không bị rách, đặt gọn gàng, đẹp đẽ lên tấm phên tre. Cứ làm như thế đến khi đủ 6 bánh một phên thì đem ra phơi. Bánh đa tráng xong phải được phơi nắng to mới trắng bánh, bánh nhanh khô. Bánh phơi xong được bảo quản kỹ lưỡng ở nơi thoáng mát.

Làm ra bánh đã khó nhưng khâu nướng bánh lại là cả một nghệ thuật. Nướng bánh đa bắt buộc phải dùng than hoa, than càng chắc càng đượm lửa, bánh càng ngon. Người nướng bánh một tay cầm bánh, một tay cầm quạt nan quạt để than cháy, tay kia trở bánh liên tục cho phồng đều. Bánh nướng xong cho ngay vào túi nilon buộc kín để giữ độ giòn. Thế rồi, bánh ra chợ trên những gánh hàng rong, như một thứ quà ăn vặt.

ST