Nước mắm Phú Quốc – Hương vị của biển cả
Mỗi tỉnh thành, mỗi vùng miền đều có những đặc trưng ẩm thực riêng biệt được thể hiện trong hai chữ Đặc sản. Tất nhiên bất kỳ một du khách nào khi đến với vùng đất đó đều mong muốn có cơ hội được một lần thưởng thức và tận hưởng hương vị món ăn như lời đồn đại, và cũng là một điều tất nhiên, bản thân tỉnh thành, địa phương đó cũng hy vọng quảng bá hình ảnh đẹp nhất về địa phương mình cho bạn bè khắp nơi biết đến. Chẳng phải con đường nhanh nhất đến với trái tim là con đường ăn uống đó sao.
Từ lâu, Kiên Giang đã mang một hình hài thật đẹp, thật nhiều màu sắc trong lòng du khách vì vô cùng nhiều những đặc sản ngon. Kiên Giang có nước mắm Phú Quốc, có bún cá Rạch Giá, bún kèn Hà tiên, rồi gà xỉu,… chắc kể đến ngày mai chưa hết. Nhưng để mà nói đặc sản đặc trưng nhất ở đây phải kể đến nước mắm Phú Quốc.
Thương hiệu nước mắm Phú Quốc không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn vang danh đến nhiều quốc gia trên thế giới, làm đẹp thêm cho hình ảnh ẩm thực nước nhà.
Sở dĩ nước mắm Phú Quốc nổi tiếng đến như vậy là nhờ hương vị không bao giờ “đụng hàng” của nó. Những giọt nước mắm tinh khiết, màu cánh gián đặc trưng tự nhiên, dùng để nêm nếm hay chấm trực tiếp đều có khả năng “xát thương” bất kỳ ai, dù là người khó tính nhất.
Theo người dân ở đây thì nước mắm có thể làm bất kỳ từ loại cá nào nhưng riêng với nước mắm Phú Quốc, chỉ được làm từ loại cá cơm tươi sống sẽ cho loại nước mắm thơm ngon, hương vị đặc trưng nhất. Cũng vì một phần Phú Quốc là một hòn đảo được bao quanh là biển cả có nhiều rong biển và phù du làm thức ăn cho loại cá cơm nên nguồn lợi cá cơm nơi đây vô cùng dồi dào, nhất là vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 12 hằng năm.
Theo cách riêng, cá cơm để làm nước mắm Phú Quốc khi được đánh bắt xong, lưới cá kéo vào mạn tàu, được vớt sục rửa bằng nước biển, loại bỏ sạch tạp chất và đặc biệt sẽ được trộn tươi ngay trên tàu với tỉ lệ 1 muối 3 cá rồi đưa xuống hầm cất giữ. Sơ dĩ người ta trộn liền khi cá còn tươi để nước mắm có hàm lượng đạm cao nhất, cá không bị ươn, không bị ươn nên nước mắm sẽ không có mùi hôi khó chịu. Sau khi tàu vào bờ, cá đã trộn muối sẽ được đưa vào thùng gỗ để ủ theo phương pháp gài nén (đặt vỉ và xếp đá trên mặt đã rải một lớp muối). Quá trình ướp này phải 12 tháng cho đến 15 tháng mới gọi là đúng quy trình tiêu chuẩn chế biến nước mắm Phú Quốc. Sau khi đã ủ đủ thời gian, người ta bắt đầu rút nước mắm: nước mắm cốt được rút đầu tiên có độ đạm trên 30, sau đó là nước mắm long có độ đạm trên hai 20; đưa 2 loại này trộn vào nhau để có loại nước mắm chuẩn.
Như vậy để thấy rằng việc có được một chai nước mắm ngon cho bạn dùng hằng ngày phải trải qua một quá trình lâu dài và phức tạp như thế nào. Chưa hết, còn một điều lưu ý nữa, đó là muối dùng để ủ cá phải là muối Bà Rịa – Vũng Tàu vì loại muối có hàm lượng tạp chất thấp.
Nước mắm Phú Quốc đã trải qua cả một quá trình lịch sử dài đằng đẵng với hơn 200 năm lư giữ và phát triển. Không hề dễ dàng để có được một chai nước mắm ngon có bề dày lịch sử đến như vậy.
Đó chính là tinh túy của đất trời, chắt lọc từ biển cả, mang vị mặn mòi của mồi hôi, của công sức của những người ngư dân ngày đêm bám biển. Để thêm yêu, thêm quý và thêm trân trọng sản vật quý giá này.
Đến với Phú Quốc, hãy thử một lần được ra biển dùng người dân ở đây đón tàu đón cá, cùng đặt bàn tay lên những thùng cá lớn ấm nóng và không quên mang một chai về để cả gia đình cùng nếm thử.