Rượu cần Hòa Bình

Đến với đồng bào Mường tỉnh Hòa Bình, du khách không thể không thưởng thức đặc sản rượu cần. Cái độc đáo làm nên thương hiệu của loại rượu này là chính là men rượu. Thứ men ngon nhất từ trước tới nay mà người Mường hay dùng là men lá, một loại men chế biến từ lá cây trên rừng. Loại cây này gọi là cây “trơ trẳng”. Men được làm từ những nguyên liệu đặc biệt như: ớt, gừng, riềng, lá mít, lá ổi và nhiều lá cây rừng như lá mâm xôi, vỏ lòng não, dây thảo quả rừng, lá lọt núi… và một thành phần không thiếu là vỏ cây gỗ mun ấy đã làm ra thứ rượu ngọt ngào, có lợi cho sức khỏe và có giá trị tinh thần, văn hóa cộng đồng sâu sắc.

Rượu cần Hòa Bình

Nguyên liệu chế biến rượu cần gồm gạo nếp, trấu và men rượu. Cách chế biến rượu cần như sau: lấy một nắm lá quế giã nhỏ trộn với bột gạo, nhào kỹ và nắm lại thành từng viên bằng quả trứng gà, đựng vào mủng, mặt bên dưới lót lá chuối khô và đem hong ra chỗ thoáng không có ánh nắng mặt trời để làm nên những bánh men, sau đó chùi sạch cám ở men. Gạo nếp đem ngâm rồi trộn một gạo hai cám đem đồ không đậy vung, dỡ ra để nguội rồi rắc bột men vào cơm nguội, đắp lá chuối lên, phơi khô, cho vào vò phủ một lần lá chuối, lấy tro nhào nước bịt kín lại. Sau từ 3 đến 5 ngày mở hé miệng vò, đổ nước suối sạch gần đến miệng mà ở đó có nan nứa cài rồi lấy lá rừng cho vào vò rượu và cắm cần tre vào miệng vò cùng uống.

Tục uống rượu cần thường có các cặp: chẵn đi với chẵn, lẻ đi với lẻ, dùng hai hoặc ba cần một lúc. Rượu hết đến đâu nước lại được cho thêm vào miệng vò sao cho mặt nước cho trong vò rượu lúc nào cũng mấp mé chực tràn miệng vò. Cũng có lúc, theo tục lệ, những người uống rượu cần chia thành hai phe, phe nào uống kém thì sẽ bị phe bên kia đổ nước lên đầu.

ST