Lên lầu cao ăn Cao Lầu
Đó chính là một đặc trưng của món ăn này, ăn Cao Lầu nhất định phải leo lên lầu cao, vừa ngắm phong cảnh phố cổ Hội An vừa thưởng thức món ăn mới tận hưởng được trọn vẹn cái “thú” của nó. Nhắc đến Cao Lầu là người ta liền nhắc đến Cao Lầu Hội An, vì đây là món ăn gắn liền với tiếng tăm của vùng đất này.
Cao Lầu thoạt nhìn trông giống sợi mì nhưng nó được chế biến một cách công phu hơn rất nhiều. Những hạt gạo thơm được ngâm vào nước tro, mà không phải nước tro bình thường, đó là tro nấu củi được lấy từ một hòn đảo cách Hội An 16km tên là cù lao Chàm, chỉ có ngâm với nước loại tro này với đem lại độ giòn, dẻo và khô cho sợi mì.
Gạo sau đó được lấy ra lọc sạch và xay bột, một điểm đặc biệt nữa thể hiện sự kỹ càng của người đầu bếp đó là nước xay gạo phải được lấy từ giếng Bá Lễ mới được ngọt mát và không bị phèn. Sau đó nhồi cho bột dẻo, khô rồi xắt thành sợi, rồi sau đó lại được đem hấp và phơi khô để làm thành sợi mì thành phẩm.
Một tô Cao Lầu hấp dẫn gồm có mì, thịt heo, rau sống tươi ngon, da heo chiên giòn và người ta thường ăn cao lầu với giá trụng. Khi xếp sẵn mọi thứ vào tô, người ta sẽ rưới nước sốt lên trên nhưng ít thôi, vì đây là món ăn ít nước, trộn đều lên và thưởng thức.
Với công thức nấu Cao Lầu, nhiều người vẫn nung nấu quyết tâm đưa Cao Lầu lên lầu cao ở những nơi khác nhưng người ta quan niệm chỉ ăn Cao Lầu ở Hội An mới là đúng hương vị nhất.
Đúng là đã gọi là đặc sản thì dù có ở đâu, được làm bởi đầu bếp tài gỏi thế nào thì chỉ khi được ngồi tại quê hương của món ăn đó để thưởng thức mới “thưởng” hết được hương vị món ăn.