Bánh đậu xanh Rồng vàng – bánh đậu xanh mang linh hồn quê hương Hải Dương
Nội dung chính
Hễ cứ nhắc đến bánh đậu xanh là người ta lại nhắc đến quê hương Hải Dương; và hễ cứ nhắc đến quê hương Hưng Đạo Vương này người ta lại nhớ đến thương hiệu bánh đậu xanh Rồng vàng, nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, khắp trong nước ngoài nước. Đây cũng chính là một trong nhiều lý do để người ta tìm đến Hải Dương nhiều hơn.
Bánh đậu xanh chính là niềm tự hào, là linh hồn của mảnh đất này, vì thế mà người dân nơi đây luôn có ý thức gìn giữ hương vị và phát triển thương hiệu lớn mạnh hơn nữa. Những chiếc bánh đậu xanh thơm ngon được người dân xứ sở tạo ra bằng mọi sự tâm huyết và đầu tư tỉ mĩ, nên bất kỳ chiếc bánh nào khi đến tay thực khách đều thơm ngon như một. Hương vị của nó đã đặc biệt đến như thế rồi thì chúng ta hãy thử tìm hiểu kỹ hơn xem, thực sự bánh đậu xanh Rồng vàng này còn ẩn chứa những điều gì nữa nhé.
Nguồn gốc xuất xứ bánh đậu xanh Hải Dương
Bánh đậu xanh ra đời vào khoảng thế kỷ XX. Nói về loại bánh này có một sự kiện đó là một lần vua Bảo Đại đi qua thị trấn Hải Dương, khi vua dừng chân nghỉ lại thì được người dân nơi đây dâng lên một loại bánh được làm từ đậu xanh. Nhà vua cảm nhận được hương vị thơm ngon, thanh đạm và dễ chịu từ món bánh này nên cảm thấy vô cùng thích thú nên đã ban khen cho bánh đậu xanh. Đặc biệt hơn, nhà vua cho phép được in hình tượng Rồng vàng – hình tượng trưng của vua lên chiếc bánh. Từ đó cái tên bánh đậu xanh Rồng vàng được ra đời.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương có đến khoảng 50 thương hiệu bánh đậu xanh, điển hình như Rồng Vàng, Nguyên Hương, Hòa An, Quê Hương, Minh Ngọc, Nguyên Ninh,… Và đây luôn là sự lựa chọn của nhiều người để làm quà cho gia đình, bạn bè mỗi khi có dịp đến Hải Dương.
Tìm hiểu cách làm bánh đậu xanh Hải Dương
Bánh đậu xanh Hải Dương không những thơm ngon và còn giàu ụ chất dinh dưỡng. Thậm chí bánh còn giúp giúp cân, giảm mỡ máu cũng như phòng các bệnh về xơ cứng động mạch. Muốn làm được một chiếc bánh thành phẩm không phải là một điều dễ dàng gì. Và từ trước đến nay, các nguyên liệu, công thức làm bánh và quy cách đóng khẩu vẫn được giữ nguyên truyền thống.
Nguyên liệu cho món bánh này bao gồm đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn và tinh dầu hoa bởi. Tất cả đều phải qua tuyển chọn kỹ càng. Hạt đậu xanh phải căng tròn, đầy đặn, được phơi khô và không bị mốc mọt. Mỡ lợn còn tươi thơm đã được lột hết da.
Với mỡ lợn, người ta làm sạch, bỏ da, cắt nhỏ ra rồi rán nhỏ lửa để mỡ được trong và thơm, phải canh lửa làm sao cho khéo để mỡ không bị khét, như vậy sẽ làm mất mùi thơm và vị ngậy của bánh. Còn đậu xanh cũng sẽ được rang chín, bóc vỏ và nghiền thành bột mịn. Cả 4 loại nguyên liệu đều được đem trộn chung với nhau theo một tỉ lệ phù hợp.
Đồng thời, giấy để gói bánh cũng phải được chú ý, để vừa làm cho chiếc bánh thêm đẹp và giữ được hương vị bánh lâu dài. Thông thường, người ta sử dụng giấy bạc hoặc giấy thấm dầu để gói. Bánh được cắt thành từng khối vuông nhỏ cho vào giấy gói và để vào những chiếc hộp nhỏ xinh xắn.
Thưởng thức bánh đậu xanh Hải Dương
Đầu tiên là phần vỏ bánh rất được đầu tư, từ hộp lớn, hộp nhỏ bên trong và phần giấy gói bánh. Khi mở ra, một mùi thơm dịu nhẹ, vừa là mùi đậu xanh, pha một chút mùi mỡ lợn và hương dìu dịu của hoa bưởi rất quyến rũ. Màu sắc bánh vàng đậm bắt mắt. Vừa cho vào miệng đã tan biến ngay ngọt lịm. Càng ăn càng muốn ăn nữa chứ không có cảm giác ngán ngẩm.
Và khi thưởng thức món bánh đậu xanh này, muốn cảm nhận được hết hương vị và sự tinh túy của nó thì phải kết hợp cùng với một chén trà nóng. Vào những ngày trời se se lạnh của miền bắc mà có một ấm trà thơm, một đĩa bánh ngon thì không còn gì tuyệt vời hơn.