Bánh cáy làng Nguyễn, đặc sản Thái Bình
Từ lâu, bánh cáy làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình) được coi là đặc sản của vùng quê lúa. Nét độc đáo của bánh cáy làng Nguyễn chính là sự kết hợp các nguyên liệu từ hoa màu trong đời sống, tạo nên một thứ bánh dẻo, thơm và có hương vị đặc trưng. Xưa bánh được coi là đặc sản dùng để cúng tiến vua, gói vuông vắn trong giấy hồng điều, bởi thế dân gian vẫn còn lưu truyền đôi câu thơ:
“Cung đình Hội rối ngày xưa
Bánh cáy lụa Nguyễn tiến vua thuở nào”.
Tương truyền bánh do bà Nguyễn Thị Tần (sinh năm 1724, đời thứ 6 tộc Nguyễn Công, làng Nguyên Xá, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) sáng tạo ra. Vốn xuất thân từ nông dân, bà đã kết hợp nguyên liệu sẵn có từ quê hương đồng nội làm ra một thứ bánh mới có gạo, vừng, đường, gừng, quả dành dành gọi là bánh Ngũ vị. Sau khi đem tiến vua, được vua Hiển Tông khen ngon và đặt tên là “bánh cáy” vì nhìn màu sắc giống trứng con cáy.
Để làm ra chiếc bánh cáy thơm ngon đặc biệt, đòi hỏi sự công phu của người thợ ngay từ khâu chọn nguyên liệu: gạo nếp cái hoa vàng, lạc, vừng, gấc, cà rốt, vỏ quýt, đường nha, mật mía, nước quả dành dành.
Gạo nếp dùng để làm bánh được chia làm 2 phần, một phần đồ xôi với nước quả gấc tạo nên màu hồng thắm, phần còn lại đồ xôi với nước quả dành dành tạo nên màu vàng tươi. Hai loại xôi này đều được giã bằng chày như làm bánh giầy. Sau khi giã nhuyễn đều, cán mỏng, cắt thành lát như mứt bí rồi sấy khô. Sấy xong cho vào chảo mỡ lợn đang sôi, đảo đều tới khi lát bánh thơm giòn. Các nguyên liệu phụ như lạc, vừng được rang chín giòn, xát bỏ vỏ. Gạo nếp hoa vàng được rang cho nở tung, sạch trấu và dậy mùi thơm. Mỡ lợn khẩu muối đường hơn nửa tháng, đem ra thái nhỏ như hạt lựu, xào ngọt lấy độ trong, giòn. Cà rốt xào nước đường, nước gừng, vỏ quýt tươi được cũng cần được chuẩn bị một cách đầy đủ.
Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị trộn đều cùng với đường mía, đem hâm nóng trên chảo đến khi đạt tới mùi thơm thì đưa vào khuôn gỗ được chuẩn bị sẵn có lót vừng bên trong, nhồi nén cho bánh trở nên cứng, sau đó lấy bánh ra cho vào bao bì, vậy là đã làm xong bánh cáy. Khi làm đúng kỹ thuật thì dù không phơi nắng, không sấy qua lửa thì bánh vẫn có thể để được rất lâu.
Bánh làm ra thơm ngon, hòa quyện của “lục sắc, bát vị”, ăn có độ dẻo của gạo nếp, độ giòn của lạc, của mứt cà rốt, vị thơm cay của gừng, của vỏ quýt, vị thanh ngọt mát của đường, mạch nha hay mật mía. Thưởng thức bánh cáy bằng cách cắt thành từng miếng mỏng, pha ấm trà thơm rồi ngồi nhâm nhi cùng gia đình, bạn sẽ cảm nhận hết cái ngon và độc đáo của món quý tiến vua.