Những món dễ quen mà khó quên chỉ có ở Tây Ninh
Nội dung chính
Tỉnh Tây Ninh có thành phố Tây Ninh nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km đi theo quốc lộ 22, là một tỉnh nằm ở vùng Đông Nam Bộ. Nơi đây nổi tiếng với địa danh núi Bà Đen được du khách trong và ngoài nước ghé thăm mỗi dịp cuối tuần, ngày lễ.
Đối với các bạn trẻ, những gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh thì đây quả là một địa chỉ lý tưởng để du lịch, dã ngoại. Và trên đường đi đừng quên thưởng thức những món ăn tuy dân dã nhưng lại vô cùng nổi tiếng, dấp dẫn của địa phương này nhé. Bạn sẽ có nhiều kỷ niệm ở nơi đây lắm đó.
Ẩm thực Tây Ninh
Bánh canh Trảng Bàng
Ngày trên đường Quốc lộ 22, khi đi qua địa phận huyện Trảng Bàng, trước khi vào thành phố, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy ở hai bên đường là rất nhiều quán ăn, nhiều trạm dừng chân với cái bảng to đùng “bánh canh trảng bàng”, để thấy được món ăn này có sức hút đế như thế nào rồi đó.
Tô bánh canh Trảng Bàng thơm ngon nghi ngút khói hút lòng di khách. Những sợi bánh canh to tròn, dai mềm, đầy ắp nào giò heo, huyết, vài lát thịt rồi điểm xuyến bằng hành tươi, tiêu, chanh. Món ngon như vậy thì ai nỡ lòng nào mà nói câu chối từ cho được đây.
Bánh tráng phơi sương cuốn thịt
Cùng với những bảng mời chào bánh canh to đùng thì những quán kinh doanh món bánh trang phơi sương cuốn thịt cũng không hề tỏ ra lép vế. Đây cũng là một món ăn đặc trưng khi đến với Trảng Bàng. Chiếc bánh tráng phơi sương được chế biến công phu với vị mằn mặn của muối trong lúc xay gạo,bánh dày hai lớp, mềm dẻo nhưng đủ độ dai. Khi ăn bánh mà cuốn chung với thịt heo luộc, rau sống và chấm trong chén nước mắm pha thì còn gì bằng.
Các món ăn chay
Người dân nơi đây phần lớn là theo đại Cao Đài, và tháng giêng hay những ngày lễ thì người dân ở đây đều ăn chay. Chính vì lý do đó mà những món chay gia truyền rất được người dân nơi đây coi trọng. Tuy là những món chay được làm từ bắp cải, su hào, súp lơ, củ đậu, nấm, mộc nhĩ, nấm kim châm hay miến, đỗ, nước dừa,… nhưng sau khi chế biến xong dọn lên mâm lên bàn nhìn cứ ngỡ như là có đủ thịt, cá, gà vậy. Dĩ nhiên tất cả đều là món chay rồi.
Mắm chua
Một món ăn khách mà theo người dân nơi đây thì chỉ có người bản xứ, người Nam Bộ thì mới quen ăn được là món mắm chua. Trong cách chế biến thì món mắm chua này chịu ảnh hưởng phần nào của người Khơmer. Vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, người ta đi xúc hay bắt những con cá nhỏ, cá lòng tong hay những con tép về để làm mắm chua. Cá tép được người ta rửa sạch rồi ướp với muối hột rang đâm nhuyễn, tiếp tục trộn cùng thính và đường tán. Mắm này để ủ trong 15 đến 20 ngày là có thể ăn liền được.
Khi ăn mắm chua, người ta đem trộn chung với đường cát, tỏi, ớt, tiêu cho vị và mùi mắm dịu lại. Tùy theo khẩu vị và sở thích của mỗi người mà có thể ăn mắm với cơm, với bún, chấm bánh tráng cuốn thịt heo luộc hoặc là ăn với trái đậu rồng, rau sống. Mà lạ kỳ, ăn cách nào cũng thấy ngon, thấy hấp dẫn.
Nem bưởi
Món ăn chơi này khá phổ biến và quen thuộc với người dân Tây Ninh, đây cũng là một món chay đặc biệt của người theo đạo nơi đây. Nguyên liệu chính làm nem là từ vỏ bưởi, đu đủ xanh bào cùng với khế chua, ớt, tiêu, lá chùm ruột và lá chuối. Món nem này khác hẳn hoàn toàn với những món nem làm bằng thịt và da heo khác nên hương vị chắc chắn mang những nét rất riêng.
Nem bưởi lúc chín có màu hồng hào, khi ăn có độ dai vừa phải và trọn vẹn các vị chua, mặn, ngọt, cay, nhất là hương thơm đặc trưng của bưởi làm thực khách ăn xong rồi vẫn nhớ mãi không quên.
Muối tôm
Chính là loại muối tôm Tây Ninh, đặc sản độc nhất vô nhị. Muối tôm được chế biến đặc biệt từ muối, tôm, thịt, tỏi, cải đỏ và ớt. Tất cả các loại nguyên liệu được tính toán, xử lý kỹ lưỡng rồi mới đem xay đều, rang và phơi nắng cho dậy mùi thơm. Muối tôm chấm cóc, xoài, ổi thì miễn chê.
Bánh tráng me
Đây luôn là món ăn được bạn bè yêu cầu mỗi khi ai đó có dịp đi chơi, đi leo núi ở Tây Ninh. Tây Ninh chính là xứ sở của bánh tráng với nhiều loại từ bánh tráng sa tế, bánh tráng muối ớt, bánh tráng trộn nhưng có lẽ bánh tráng me với những chiếc bánh mềm dẻo được xếp vuông vắn với thêm bịch hành phi, bịch đậu phộng trang và bịch me đi kèm làm nhiều người nhớ nhung, nhiều người xao xuyến hơn.
Mỗi người sẽ có một cách ăn khách nhau nhưng thông thường chúng tôi sẽ cho cả hành phi, nước chua sền sệt và đậu phộng rang, thích thì cho thêm chút muối tôm và một cái chén nhỏ được được đóng sẵn khi mua, sau đó mới gỡ từng lớp bánh tráng ra, cuộn lại rồi đem chấm và chén nước chấm này để thưởng thức. Chính vị chua chua, ngòn ngọt đặc trưng của me rất dễ gây nghiện.
Ẩm thực núi Bà
Ốc xu núi Bà
Núi Bà Đen cao lớn, hùng vĩ và thiêng liêng là vậy và đây cũng là nơi cho ra đời những món ngon và dần dần trở thành đặc sản dễ quen khó quên của Tây Ninh. Ăn rồi cứ bồi hồi nhớ mãi, xao xuyến mãi về những hương vị đặc trưng đó.
Ốc xu trên núi Bà có dáng gần giống với ốc bươu nhưng nó nhỏ và dẹt hơn. Ốc được người dân nơi đây bắt về và chế biến thành các món như ốc nướng, ốc xào mè, ốc hấp sả, ốc vào tỏi. Thịt ốc dai, giòn và ngọt thanh. Theo người dân nơi đây thì ốc có tác dụng chữa bệnh nhức mỏi rất được vì trong hương ốc có hương thuốc quý chăng.
Thằn lằn núi Bà
Đệ nhất ẩm thực ở Tây Ninh chưa phải là bánh canh, bánh trang hay muối tôm mà chính là thằn lằn núi Bà Đen. Món ăn này đặc biệt rất được lòng cách quý ông đấy nhé. Những con thằn lằn nho nhỏ, thịt chắc nịch, sau khi bắt về sẽ được làm thành các món nướng, chiên giòn. Mà trong số đó phải kể đến món thằn lằn chiên giòn ăn với rau thơm, xà lách chắm mắm me; còn một món nữa là thằn lắn núi băm nhỏ xào với tiêu xanh ăn kèm bánh tráng và lá lốt. Món nào món nấy ngon nhức miệng.