Ngắm cảnh đẹp, “thưởng” món ngon ở Cao Bằng
Nội dung chính
Cao Bằng là một vùng đất có nhiều thắng cảnh đẹp với rừng núi và sông suối bao la, còn giữ được nguyên vẻ hoang sơ. Cao Bằng cũng là địa phương có truyền thống cách mạng từ lâu đời, được xem là cội nguồn của cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, Cao Bằng còn là nơi sinh sống của nhiều đống bào dân tộc nên không gian ẩm thực nơi đây cũng mang nhiều nét đẹp riêng, hương vị đặc biệt chuẩn phong cách đại ngàn.
Đến với Cao Bằng, thực khách sẽ có cơ hội được thưởng thức những món mà mình chưa được nếm thử trước đây, những món ăn mang những nét riêng biệt của người địa phương như rau dạ hiến, bánh trứng kiến, bánh chè lam, xôi trám, bánh áp chao hay vịt quay 7 món,…
Thanh đạm với 2 loại rau quả
Rau dạ hiến
Rau dạ hiến theo tiếng tày được gọi là Phjắc diển, là một loại rau mọc hoạng ở các vùng núi đá thuộc tỉnh Cao Bằng. Rau dạ hiến có thân giòn, được chia thành nhiều nhánh to, cây thường bán theo các thân gỗ để vươn lên cao. Rau dạ hiến cũng có theo mùa chứ không phải mùa nào cũng có, mùa rau dạ hiến là vào tháng 2 – tháng 7 âm lịch. Hái được một nắm rau dạ hiến rồi đem xào lên ăn là đã quý lắm rồi.
Thưởng thức rau dạ hiến còn ngon hơn là thưởng thức các loại cao lương mỹ vị khác. Loại rau vừa thơm, giòn lại bép ngậy. Không chỉ vậy, đây còn là một vị thuốc quý bổ thận, mạnh gân cốt và chữa vô sinh rất tốt. Chính vì vừa quý vừa hiếm nên rau dạ hiếm hiện nay đã trở thành đặc sản được cả người miền xuôi lẫn miền ngược đều yêu thích.
Hạt dẻ Trùng Khánh
Hạt dẻ có nhiều loại và ở nhiều nơi nhưng loại hạt dẻ vừa to, có hương vị thơm ngon, bùi ngậy thì chỉ có ở hạt dẻ Trùng Khánh và là đặc sản của riêng Cao Bằng mà thôi. Mùa hạt dẻ Trùng Khánh là vào khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm, có thể dùng để luộc, rang hay sấy ăn liền; đặc biệt hơn là dùng để ninh với chân giò, thịt gà, bằng cách nào thì hương vị của hạt dẻ cũng đều rất tuyệt.
Tuy nhiên hiện nay hạt dẻ Trùng Khánh cũng không còn có nhiều bởi diện tích trồng dẻ không được mở rộng. Vậy nên muốn ăn hạt dẻ Trùng Khánh đúng chuẩn không phải là điều dễ dàng gì. Vậy nên hãy tranh thủ bạn nhé. Hương vị của nó tuyệt lắm đó.
Béo ngậy với 2 món thịt trứng
Vịt quay 7 vị
Vịt được ướp bởi 7 loại gia vị khác nhau, là 7 vị trong bí quyết chế biến riêng của người Tày sống ở miền đông tỉnh Cao Bằng sau đó được cho vào bụng vịt khâu lại cho khít, quét mật ong và giấm lên khắp thân con vịt rồi mới đem quay trên bếp than hồng.
Vịt quay 7 vị với lớp da rộm vàng lên, cảm giác chỉ cần chạm nhẹ vào là vỡ tan, mùi thơm xực vào mũi ngạt ngào, vừa ngồi trông quay vịt nhiều lần cứ nghĩ chắc không chờ nổi đâu. Vịt chín, nước gia vị trong bụng vịt được dùng để chấm còn thịt được chặt ra vừa chín tới màu hồng đào, ngọt mềm, quyến rũ vô cùng.
Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến còn được gọi là pẻng rày, bánh được là từ bột nếp, trứng kiến và lá non của cây vả. Thường du khách chỉ có thể thưởng thức món này vào khoảng tháng 4, tháng 5 hằng năm vì chỉ khoảng thời gian đó bà con dân tộc Tày ở Cao Bằng mới vào rừng để “săn” trứng kiến.
Trứng kiến này phải là trứng của loài kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn, một tổ kiến thường chỉ lấy được một ít trứng, vậy nên muốn có đủ trứng kiến để làm bánh thì người đi lấy trứng cũng phải khá vất vả. Cùng với trứng kiến đó còn một nguyên liệu khác nữa không thể thiếu đó chính là lá của cây vả mà theo ngôn ngữ của người Tày gọi là bâu khỏa.
Khi đã có đủ nguyên liệu rồi, bột gạo nếp sẽ được xay mịn đảo nhuyễn cùng với nước để làm vỏ bánh. Trứng kiến rửa sạch, loại bỏ cặn rác rồi đem phi mỡ lợn cho thơm. Lá vả bỏ gân ở mặt dưới sau đó lấy một lượng bột vừa phải trải lên trên đó nhưng không để tràn ra mép lá, cho trứng kiến với ít lá hệ lên trên lớp bột rồi sau đó mới gấp đôi chiếc lá vả lại. Cho bánh vào trong khay để hấp. Khi bánh chín có thể cắt thành những miếng vừa để ăn.
Bánh trứng kiến vừa dẻo vừa thơm nhờ lớp vỏ bánh bằng bột nếp, vị chan chát là lạ của lá vả bọc ở bên ngoài, nhất là phần nhân trứng kiến giòn giòn, cắn vào nổ lép bép rất thích. Nghe vậy rồi thì chắc chắc phải thử cho bằng được món ăn này phải không nào.
Ngọt ngào với 2 loại bánh
Bánh chè lam
Cùng với bánh trứng kiến mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng thì món bánh chè lam cũng được coi là một loại bánh cổ truyền của người dân Cao Bằng. Bánh chè lam được làm bằng bột nếp rang dẻo dai, có thể dùng dao để cắt mà không bị dính, bánh mang vị ngọt ngào của mật, giòn bùi của lạc và thêm một chút thơm cay đặc trưng của gừng. Món ăn mang những nét riêng rất riêng nên chỉ cần nhìn hay ngửi mùi thôi là đã có thể nhận ra nó.
Bánh chè lam bao lâu nay vẫn mang một hình hài và hương vị như thế, dĩ nhiên là ai ăn rồi cũng thích, tất cả vừa đủ, đủ để khiến người ta mê mẩn. Ăn bánh chè lam cùng với thưởng thức chén chè ngon nữa thì dịu dàng và thanh tinh lắm. Vào những buổi chiều mát trời, cùng ngồi và ôn lại chuyên xưa với vài người bạn thì đúng bài.
Bánh khảo
Món bánh cổ truyền này thường xuất hiện nhiều trên ban thờ tổ tiên vào những ngày tết đến xuân về. Bánh khảo nhìn thì không có gì đặc biệt cho lắm, nhưng muốn làm được bánh ngon thì đòi hỏi người làm bánh phải thật khéo và cẩn thận từng chi tiết.
Bánh khảo là được làm từ gạo nếp, sau khi vo sạch, để khô thì người ta mới đem rang lên rồi xay bằng cối đa để được loại bột mịn. Bột bánh được hạ thổ qua đêm để cho ỉu và có độ dẻo. Bánh khảo thường được đặt trong tờ giấy hình vuông nhỏ, gấp 4 góc lại và dùng hồ dán chặt. Người đồng bào nơi đây quan niệm, bao giờ hết bánh khảo mới gọi là hết Tết. Đây cũng chính là thức quà mà bọn trẻ đặc biệt yêu thích.