Những món ăn cực “êm” của người An Giang
Nội dung chính
An Giang là một tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ, nơi đây nổi tiếng với khung cảnh sông nước hữu tình, có rất nhiều danh lam thắng cảnh cũng như di tích lịch sử được du khách khắp nơi quan tâm như rừng tràm Trà Sư, hồ Thoại Sơn, cù lao Giêng; khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng – di tích quốc gia đặc biệt,…
An Giang cũng là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc như Chăm, Khmer, Kinh, Hoa,… chính vì sự giao thoa này mà đời sống văn hóa của người dân mang nhiều nét độc đáo, đậm đà bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Và có lẽ, dấu ấn văn hóa này được in sâu nhất là ở trong từng món ăn, phần nào làm phong phú thêm ẩm thực An Giang.
Đặc sản của người đồng bào dân tộc Chăm – Khmer ở An Giang
1. Tung lò mò
Đây là một món ăn ngon, độc đáo của đồng bào người Chăm ở An Giang, tung lò mò chính là một cách gọi khác của món lạp xưởng bò. Lạp xưởng bò này có thể đem chiên hoặc nướng, nhưng ngon nhất có lẽ vẫn là tung lò mò nướng, vừa nướng chín tới đâu là ăn liền tới đó, nóng hổi, thơm nức. Khi ăn dễ cảm nhận được những mùi vị riêng biệt của các loại nguyên liệu cùng hòa quyện trong món ăn. Vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, chua thanh của cơm nguội lên men, vị cay của ớt. Khi ăn lại ăn kèm với rau sống, khế chua, chuối chát và rau cần tươi, đem chấm trong tương ớt nữa. Món ăn chơi thôi mà đôi khi kết hợp với bún, bánh mì lại cũng đủ làm người ta no lòng.
2. Bánh bò thốt nốt
Về với An Giang, rất dễ để du khách bắt gặp những cây thốt nốt, cây thốt nốt có lá dùng lợp nhà, gỗ cây làm bàn ghế, làm cột nhà,… còn trái thốt nốt là nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, trong đó có lẽ phải kể đến bánh bò thốt nốt, một loại bánh đặc trưng của người Khmer. Những chiếc bánh bò màu vàng ươm hãy còn nóng hổi, vị bánh ngòn ngọt, beo béo và xôm xốp, vừa thơm mùi đường, mùi dừa, lại thoang thoảng mùi thơm đặc trưng của đường thốt nốt. Đã có dịp thử 1 lần rồi, lần sau chưa cần nếm mà chỉ cần ngửi thôi cũng biết nó là gì.
3. Cốm dẹp
Đối với người Khmer ở Tây Nam bộ nói chung và ở An Giang nói riêng thì giã cốm dẹp còn được coi là một nghề truyền thống và cốm dẹp là một món ăn truyền thống gắn liền với lễ hội Ooc – om – boc của người dân nơi đây được tổ chức vào mỗi rằm tháng mười âm lịch.
Cốm dẹp An Giang có màu trắng ngà, thường vào khoảng mùa thu về cũng là mùa cốm về. Những hạt tóc nếp sau khi gặt về được sàng sạch, đem ngâm nước qua 1 đêm rồi phơi khô dưới nắng. Hạt nếp sau đó được rang chín trong những chiếc om hay nồi đất được làm thủ công. Cốm được giã cho đến khi hạt nếp dẹp dính chày rớt xuống cối thì người ra mới sàng hết vỏ trấu và cho vào bao kín bảo quản.
Cốm dẹp ăn với cơm dừa rám nạo nhuyễn, thêm ít đường thốt nốt, ít nước dừa tươi rồi trộn đều lền, chờ cho cốm dẻo ra mà ăn thì tuyệt lắm. Và đây cũng là món ăn, là vật phẩm cũng thần linh, đất trời của người Khmer.
4. Cơm nị – cà púa
Món ăn gì mà mới nghe tên lạ lạ là muốn khá phá, thưởng thức ngay rồi phải không nào. Cơm nị và cà púa là 2 món ăn luôn đi đôi với nhau, là đặc sản của người dân tộc Chăm ở làng Châu Giang thuộc tỉnh An Giang. Trong đó, cơm nị cũng là một loại cơm còn cà púa là một món được chế biến từ thịt bò. Hai loại này đều được chế biến hết sức cầu kỳ, công phu và phức tạp. Là sự kết hợp của rất nhiều nguyên liệu và gia vị khác nhau. Bạn sẽ phải ngỡ ngàng khi biết đến cách mà người Chăm đã chế biến ra 2 món ăn này đấy, còn hương vị của chúng thì không có mỹ từ nào có thể diễn tả nổi. Vậy nên bạn biết đấy, đã về An Giang rồi thì làm sao có thể bỏ qua “cặp bài trùng” này được chứ.
5. Bánh Chăm
Bánh Chăm là tên gọi chung của 2 loại bánh trong ẩm thực của người Chăm, một món là bánh ha nàm căn được làm từ bột mì trộn trứng vịt và đường thốt nốt, bánh có màu vàng mỡ gà hình chóp nhọn rất dễ thương; một món là bánh cô ăm, cũng là được làm từ bột gạo trộn với đường thốt nốt, bánh chín có màu trắng và ăn không béo. Hai món này vừa cầm ăn chơi, vừa ngắm cảnh, tham quan các địa danh của thú vị lắm.
Đặc sản An Giang
1. Gỏi sầu đâu
Sầu đâu hay còn gọi là cây xoan, loại cây này ở Châu Đốc và Bảy Núi mọc hoang khá nhiều, phần đọt lá non có màu tím bị đăng đắng chính là sự lựa chọn tuyệt vời trong nhiều món ăn của người dân nơi đây. Người ta dùng đọt, lá non sầu đâu để làm gỏi với thịt, tôm, gỏi với cá, món nào cũng thật hoàn hảo. Vừa có cái vị đắng của lá sầu đâu, các loại thịt cá dai ngọt, béo bở, thêm các loại rau phụ họa nữa. Khó có thể có một loại gỏi nào khác ngon hơn gỏi sầu đâu này.
2. Mắm ruột
Chẳng phải mắm là từ cá nguyên con đâu mà là mắm được làm từ ruột cá ngon, đem trộn với thính gạo lứt trong 3 tháng. Mắm ruột này ăn kèm với rau thơm, ớt sừng trâu cũng ngon, nấu chao với đường thốt nốt lên vị rất tuyệt hay mắm chưng với thịt ba rọi, hột vịt, thêm ít gừng, tiêu nữa, ăn với cơm thì hao cơm lắm.
3. Xôi phồng chợ Mới
Những chiếc bánh xôi phồng tròn to nhìn ngon mắt vô cùng. Xôi phồng mà ăn chấm với tương ớt hay xì dầu rất bắt miệng. Mà hay nhất vẫn là ăn kèm xôi chiên với thịt gà thả vườn quay lên. Trong thi xôi phồng vừa giòn thì thịt gà lại dai ngọt.
4. Bọ cạp Bảy Núi
Ở vùng Bảy Núi có loại bọ cạp màu đen nhánh, càng to kềnh, được người dân ở đây bắt và bán nhiều ở dọc hai bên đường. Bọ cạp nguyên con được chiên giòn trong chảo dầu đang sôi rồi ăn kèm với rau cơm, cà chua, dưa leo, ngò thơm, chấm với muối tiêu chanh thì ngon không còn gì phải nói. Thịt bọ cạp giòn giòn, cưng cứng và beo béo nữa, nhất là phần bụng của nó.
5. Bún cá Long Xuyên
Đối với du khách từ những nơi khác đến đây thăm thú, du lịch, nghỉ dưỡng thì không thể không ăn món bún cá có màu vàng nghệ ngon lành này được. Bún cá này được làm từ thịt cá lóc đồng, ăn với rau nhút hay rau muống bào và bắp chuối thái sợi.
Tô bún cá nóng hổi, thơm nức mũi được để đầy ụ với những cá là cá, nước lèo sóng sánh hấp dẫn. Những sợi bún mềm dai, thịt cá lóc được lựa kỹ không xương, xào với nghệ vừa thơm, vừa dai ngọt. “Trăm nghe không bằng một thấy”, vậy nên bạn nhớ là phải thử nhé, “êm” lắm đó.