Những đặc sản từ nương rẫy của người Thái Nguyên
Nội dung chính
Thái Nguyên còn được người dân, du khách trong và ngoài nước biết đến là “Thủ đô chè Việt Nam”, cùng với loại chè ngon nhất nhì cả nước thì Thái Nguyên còn có rất nhiều đặc sản, nhiều loại bánh trái mộc mạc từ trên nương, trên rãy nhưng qua ban tay chế biến của người dân địa phương lại mang những hương vị rất khác.
Thái Nguyên là địa bàn tập trung đông đảo các dân tộc sinh sống với 46 trên tổng số 54 dân tộc đang sinh sống ở khắp Việt Nam. Cũng chính vì điều này mà văn hóa nói chung và ẩm thực của Thái Nguyên nói riêng cũng vô cùng đặc sắc và phong phú như thế. Nên muốn khám phá hết của ngon vật lạ và cảnh sắc nơi đây không phải 1, 2 lần là biết hết được.
Đặc sản bình dị của người Thái Nguyên
Chè Tân Cương
Thái Nguyên được mệnh danh là thủ đô chè của Việt Nam, đây là nơi sản sinh ra một trong hai loại chè ngon nhất nước. Nói đến chè ngon ở Thái Nguyên thì chắc phải đến vùng Tân Cương một chuyến mới được. Chính nhờ khí hậu và đất đai nơi đây được ưu ái đã nuôi dưỡng nên những gốc chè quý, chè tươi còn trên càng đã thơm, qua chế biến đến khi pha còn thơm và ngọt hơn nữa.
Hương vị và giá trị của chè Thái Nguyên là không gì sáng bằng. Ở miền xuôi mà muốn được thưởng thức một chén chè chính gốc Thái Nguyên thực không dễ dàng gì, vậy nên đã đặt chân lên mảnh đất này rồi, phải cùng hái chè, sao chè rồi pha một ấm chè để thưởng thức cho đã đời mới thỏa mãn.
Cơm lam Định Hóa
Cơm lam ở vùng núi Tây Bắc không thiếu nhưng không biết tự bao giờ, cái tên cơm lam Định Hóa đã thành danh, thành một thương hiệu của Thái Nguyên. Huyện Định Hóa nằm ẩn sau sau những quả đồi và thung lũng, người ta tìm đến đây ngoài để được thưởng thức món cơm lam trứ danh này thì còn để được thả mình vào trong khung cảnh thiên nhiên hoang dã, không khí trong lành.
Cơm lam ở Định Hóa là được nấu từ những hạt gạo nếp nương thơm hương núi rừng trong những ống nứa non đem đốt trên lửa. Cơm được nấu trong ống nứa khi được mở ra trắng tinh, mịn màng và thơm nức mũi. Cắt từng khoanh cơm bốc chấm ăn cùng với muối vừng vừa dân dã mộc mạc lại vừa đậm đà không thể nào quên.
Bánh ngải
Bánh ngải là một đặc sản của đồng bào dân tộc Tày sống ở Thái Nguyên, bánh có hình tròn, trông khá giống với bánh dày của chúng ta nhưng vì trong lúc chế biến người ta trộn vào bột lá ngải nên bánh có màu xanh, những ai đã biết rồi thì sẽ rất dễ nhận biết nó.
Nếp để làm bánh ngải phải là nếp nương không được lẫn gạo tẻ. Bánh ngải có nhân được làm từ mật mía, thứ mật mía được chế biến thủ công nên có vị ngọt tự nhiên. Có lẽ vì trong thành phần là lá ngải mà bánh dinh dưỡng hơn rất nhiều. Bánh ngải có vị hăng hăng, thơm lạ, vỏ bánh rất dẻo nhờ nếp và ngọt ngào. Thường người Tày chỉ làm bánh vào tết Thanh Minh nên thưởng thức được chiếc bánh cũng quý hơn rất nhiều.
Đậu phụ Bình Long
Bình Long là một xã thuộc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây khá nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhờ món đậu phụ trắng trẻo, thơm ngon.
Đậu phụ Võ Nhai chi tiết và kỹ lưỡng từ ngay khâu chọn nguyên liệu, phải những người nghệ nhân lâu năm mới có thể làm đậu được, chính vì lẽ đó mà đậu phụ Bình Long sau khi thành phẩm mang những đặc tính riêng, vô cùng thơm ngon không nơi đâu có được.
Khi nhìn thấy miếng đậu phụ Bình Long có lẽ bạn sẽ phải bất ngờ với kích thước quá khổ của nó bởi người ta thường bán đậu phụ theo ký. Có thể ăn ngay đậu phụ nóng hổi vừa mới được lấy từ khuôn ra. Đậu mềm, mịn, béo ngậy, mùi thơm thoảng. Ăn đậu phụ chấm mắm tôm là ngon hết ý.
Bánh chưng Bờ Đậu
Bánh chưng Bờ Đậu, một đặc sản của huyện Phú Lương, địa danh này có nghề làm bánh chưng truyền thống nên từ lâu đã được người ta biết đến. Món bánh chưng được làm từ nếp nương, thịt lợn của người dân tộc và được gói, luộc dưới bàn tay khéo léo của người dân địa phương.
Bánh chưng Bờ Đậu được bọc bằng lá dong được hái về từ vùng núi Na Rì nên khi luộc xong lên màu bánh rất đẹp. Bánh xanh mướt, phần vỏ nếp của bánh thì rất dẻo, nhân bánh bùi ngậy thêm ít hạt tiêu vừa thơm, vừa cay. Ngày nay, khi đến với mảnh đất thuộc huyện Phú Lương, Thái Nguyên này bạn có thể dễ dàng được thưởng thức món bánh chưng Bờ Đậu vì người dân đã xem đây là món ăn quen thuộc, dùng được quanh năm chứ không chỉ có ngày tết mới làm bánh.
Bánh coóc mò
Chiếc bánh có hình chóp nhọn, trông như một chiếc sừng bò đó chính là bánh coóc mò, một món bánh đặc sản của người dân tộc Tày, Nùng ở Thái Nguyên.
Bánh cooc mò tuy mộc mạc, dân giã nhưng muốn làm được bánh đòi hỏi người người làm bánh cũng phải rất khéo tay và cẩn thận trong từng công đoạn. Bánh được làm bằng gạo nếp, gói lá chuối hoặc lá dong. Bánh thường được xâu lại thành từng chùm nhỏ để luộc.
Bánh coóc mò có màu xanh nhạt từ lá chuối, vị bánh ngọt, khá dẻo nhưng không quá quện, ngọt thanh và đậm đà dư vị của ruộng đồng cao nguyên. Bánh coóc mò không có nhân nhưng cũng chẳng sao cả, bấy nhiêu thôi cũng ngon ngất ngây rồi. Món bánh được người dân tộc Tày, Nùng bán quanh năm ở khác khu chợ phiên.
Trám Hà Châu
Xã Hà Châu thuộc huyện Phú Bình, nằm cách thành phố Thái Nguyên khoảng 30km, nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một món quà quý đó chính là những quả trám đen, nay đã trở thành đặc sản của Hà Châu và được nhiều người tìm đến với mong muốn được tự mình thưởng thức thứ quả quý này.
Mùa trám đen chín thường rơi vào khoảng tháng 7, tháng 8. Quả trám chín có vỏ màu đen, cùi trám bên trong màu vàng mới rất lạ, hạt trám nhọn ở hai đầu có nhân trắng ngần. Có thể là do khí hậu hoặc do điều kiện thổ nhưỡng ở đây mà trám đen Hà Châu ăn rất bùi, mùi rất thơm, thịt cũng chắc hơn bất kỳ loại trám đen nào được trồng ở những nơi khác.