Cách phân biệt mật ong rừng và mật ong nuôi
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều cơ sở kinh doanh mật ong với vô vàn chủng loại, màu sắc, độ đặc loãng. Với một ma trận như vậy thì làm sao người tiêu dùng có thể phân biệt thật giả, đâu là mật ong rừng, đâu là mật ong nuôi. Bài viết sau đây chúng tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm giúp nhận biết mật ong rừng.
Trước tiên, cần phải nói rõ, mật ong cũng là một loại thực phẩm. Do đó, cách hiệu quả nhất để phân biệt là qua vị giác và khứu giác, hay nói cách khác là nếm và ngửi. Trong cuộc sống người ta truyền nhau một vài cách để phân biệt mật ong giả hay thật. Tuy nhiên, những cách này chỉ mang tính tương đối hoặc thậm chí không hiệu quả.
Thứ nhất, không thể phân biệt mật ong xịn hay dởm bằng nước hay giấy (nhỏ giọt mật vào nước, nếu giọt mật chìm dưới đáy, tròn vo là thật, không tròn thì không phải hoặc nhỏ lên giấy trắng, mật loang ra là dởm). Đây là cách thử sai vì giọt mật càng đặc thì càng lâu tan chứ không phải là thật hay giả. Giả sử ta keo đường thật đặc rồi thả vào nước thì nó cũng rất khó tan. Do đó, cách này không thể dùng phân biệt mật thật giả chứ đừng nói đến phân biệt mật ong rừng hay mật ong nuôi.
Thứ hai, dùng hành, trứng (cho trứng hoặc hành vào mật nếu sau một lúc trứng chín, hành héo thì là mật xịn). Cách này hiệu quả để phân biệt thật giả. Còn giữa mật rừng với mật nuôi thì không hiệu quả vì cả hai đều là mật xịn.
Có người cho rằng chỉ mật ong dởm mới bị kết tinh đóng đường. Ta phải hiểu rằng sự đóng đường ở đây là phản ứng hóa học bình thường của mật. Nếu mật ong thật, khi đóng đường cho vào nước sẽ tan ra ( trừ mật ong hoa nhãn, hoa cà phê, mật ong cuối mùa màu đen sẫm mới không bị kết tinh).
Vậy làm thế nào để phân biệt mật rừng và mật nuôi. Sau đây là vài cách để mọi người tham khảo.
Tổ ong rừng
Tổ ong nuôi
Mật ong rừng thường có nhiều ga hơn so với mật ong nuôi. Bởi lẽ, ong trong rừng lấy phấn từ nhiều nguồn hoa khác nhau còn mật ong nuôi chỉ lấy phấn từ một vài nguồn hoa nhất định. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây nên hiện tượng khí ga trong mật lại chính từ cách lấy mật. Khi lấy mật từ tổ ong rừng, việc cắt bầu mật ra khỏi tổ dù rất cẩn thận cũng không thể tránh khỏi lẫn những con nhộng non vốn nằm ở vị trí sát với bầu mật, chính xác ong non lên men sẽ tạo nên khí ga cho mật. Còn mật ong nuôi, khi cắt phần bầu mật, ta chỉ cắt phần từ nắp vít trở lên ở lỗ mật chứ không làm ảnh hưởng gì đến số ong non ở dưới, đồng thời quay ly tâm mật văng ra, do đó hạn chế tối đa việc lẫn xác ong non vào mật. Mật nhiều ga thì thường rất thơm nhưng lại chóng hỏng do có xác ong non lên men.
Mật ong rừng thường có một lớp phấn trên thành chai. Như đã nói phần bầu mật liền với phần tổ phía dưới chứa phấn hoa và ong non, ong lấy phấn hoa về ăn trước rồi mới ăn mật sau nên sẽ lẫn phấn hoa vào phần tổ chứa mật, khi lấy bầu mật sẽ lấy luôn phần phấn hoa đó, khi vắt mật và để một thời gian phấn sẽ từ từ nổi lên trên thành chai. Tuy nhiên, cách này cũng có thể làm giả được. Trừ khi là mật cuối mùa, trên thành chai không có phấn hoa vì lúc này ong đã chuyển qua ăn mật, không còn sót phấn trong tổ hay bầu mật nữa.
Tóm lại, như đã nói mật ong là thực phẩm nên chủ yếu phân biệt qua ngửi và nếm. Mật ong rừng rất thơm, có mùi hơi ngái, nồng, thậm chí có vị hơi chua. Bởi lẽ, con ong rừng lấy mật từ bất cứ loài hoa nào trong bán kính làm tổ của nó, co nên một giọt mật ong rừng có thể chứa mật của nhiều loài hoa khác nhau. Còn mật ong nuôi chủ yếu lấy mật từ một loại hoa nhất định vì người ta ép đàn ong như thế. Người ta có thể di chuyển đàn ong đi đến các vùng khác nhau, lấy mật của hoa vùng đó nhưng cũng chỉ là lấy của một loài hoa mà thôi. Cách dễ dàng nhất để phân biệt là lấy một cốc nước ấm khoảng 60-70 độ, cho vào một muỗng mật ong rừng sẽ thấy mùi thơm bốc lên rất rõ, còn mật ong nuôi thì không. Ngoài ra, nếu đàn ong nuôi bị bệnh, phải dùng kháng sinh thì có thể ngửi thấy mùi kháng sinh tồn dư trong mật.
Tại https://dacsanvietnam.com chúng tôi cung cấp mật ong rừng xịn 100% không ngoài mong muốn đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm quý của thiên nhiên.
Link sản phẩm:https://dacsanvietnam.com/san-pham/mat-ong-rung-tu-nhien-dac-san-son-la/