Mô tả
Thịt bò gác bếp (hay còn gọi là thịt bò hun khói) là món ăn truyền thống mang phong cách ẩm thực của dân tộc Thái. Với hương vị đậm đà và mùi thơm hấp dẫn, thịt bò Sơn La không chỉ là món ngon chiêu đãi gia đình mà còn là món quà độc đáo, ý nghĩa dành tặng người thân, bạn bè trong dịp tết đến, xuân về…
Nhìn ngoài màu nâu sẫm, khi xé ra bên trong màu đỏ tự nhiên – đặc trưng riêng của sản phẩm thịt bò gác bếp Sơn La – khi nhai trong miệng thấy vị thơm ngọt của thịt bò, mùi khói ngai ngái của núi rừng, sự đậm đà của tổng hợp các gia vị tẩm như gừng, ớt, muối, mắc khén… Chính những mùi vị đặc trưng trên đã tạo nên sức hấp dẫn cho món đặc sản vùng cao.
Quy trình thực hiện
Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc, ăn cỏ tự nhiên, không chăn dắt, không vỗ béo, bởi lẽ không phải là bò nuôi trong chuồng thì thịt bò mới chắc và thơm mềm. Khi mổ bò, họ để dành ra một lượng thịt bắp, lóc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì, lọc sạch các lớp bạc nhạc rồi thái thành miếng dọc thớ rộng khoảng 5 đến 10 cm, dài khoảng 20 cm, dày 3 cm.
Tiếp theo, tiến hành tẩm ướp bằng cách xắt gừng nhỏ cùng với ớt, hạt dổi, muối,… đặc biệt là mắc khén – một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc, rồi giã nhuyễn trộn thật đều, đem ướp với thịt bò đã chuẩn bị, để một thời gian cho thịt thấm gia vị.
Sau khi đã tẩm ướp xong, thịt sẽ được mắc theo từng dây trên giàn bếp, hun khói từ củi cây rừng. Thịt được sấy bằng lửa trong 3-4 ngày đầu tiên, sau đó có thể dùng củi bếp và khói lửa hun hàng ngày để sấy khô, khối thịt bò ám khói đen và khô lại, thấm hết mọi gia vị vào trong. Trên bề mặt vẫn còn những hạt tiêu rừng, miếng ớt, miếng gừng. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, nhất là độ ngọt của thớ thịt.
Món này được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản, có thể để trong ngăn đá tủ lạnh cả 6, 7 tháng trời mà hương vị không thay đổi.
Cách dùng
Khi ăn chỉ cần đem thịt bỏ vào lò vi sóng hoăc hấp cách thủy cho thịt mềm ra là có thể sử dụng. Ta xé nhỏ dọc theo thớ, chấm với chẳm chéo hoặc tương ớt, có thể ăn ngay hoặc được coi là món nhậu chính uống cùng rượu. Nếu như trước đây, người Thái dự trữ món ăn này để thay cho thức ăn mặn, đặc biệt vào những dịp mưa, lũ hoặc những ngày giáp hạt, thiếu ăn… thì nay, món ăn này có thể trở thành một đặc sản, có thể ăn như món nướng hoặc ăn với lẩu. Tuy nhiên, những hương vị đặc sắc của thịt bò nướng chỉ nguyên vẹn khi lấy trực tiếp từ gác bếp, vẫn còn mùi khói, vị cay của ớt, vị nồng nồng của mắc khén.
Từ miếng thịt bò bình dị với cách chế biến tinh tế độc đáo, dẫu là thực khách kén ăn cũng dễ dàng bị chinh phục để rồi không khỏi lưu luyến, nhớ về ẩm thực riêng có của người Thái Tây Bắc.